Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi (P7) - Đình Mão Cầu

Đăng ngày 05 - 04 - 2024
100%

Đình, đền Mão Cầu được xây dựng ở vị trí trung tâm làng Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu, mặt tiền quay hướng Nam.

Đình - đền Mão Cầu là nơi thờ Trần Khắc Chung - một viên quan thời Trần đã có nhiều công lao trong việc giữ nước mà tên tuổi và sự nghiệp của ông đã được lịch sử Việt Nam ghi nhận. Ngoài ra, cụm di tích còn thờ ba nàng công chúa của vua Trần Anh Tông là Huyền Trân, Thiệu Linh và Kiều Cao. Công chúa Huyền Trân đã được lịch sử ghi nhận là người biết hy sinh tình riêng để nhận trách nhiệm lớn lao khi lấy vua nước Chiêm để giữ mối hoà hiếu giữa hai dân tộc Việt - Chiêm. Hai công chúa Thiệu Linh và Kiều Cao là những người có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, góp phần làm nên chiến thắng của quân dân Đại Việt. Với những đóng góp to lớn trong kháng chiến, ba nàng công chúa được vua ban thưởng hàng nghìn mẫu ruộng, họ đều cúng vào chùa, cho người dân địa phương Mão Cầu cày cấy. Từ đó, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đình – Đền Mão Cầu xã Hồ Tùng Mậu

Theo truyền ngôn, đền Mão Cầu được khởi dựng năm 1329 đời vua Trần Hiển Tông. Qua các triều đại, ngôi đền đều được tu sửa, đến năm Thành Thái thứ 15 (1893) đền được trùng tu lớn. Hiện nay, đền làm theo kiểu chữ Đinh gồm 05 gian Tiền tế và 03 gian Hậu cung. Các bộ vì làm kiểu con chồng đấu sen. Các cấu kiện được chạm khắc tứ linh, hoa lá cách điệu... mang đậm nét nghệ thuật thời Lê đan xen Nguyễn. Tại đền còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: tượng Trần Khắc Chung, 01 choé sứ thời Lê, cuốn thần tích thời Lê...

Cách đền Mão cầu không xa là đình Mão Cầu được khởi dựng từ thời Trần. Trước đây, đình có quy mô rất lớn gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Các hạng mục được làm từ vật liệu gỗ và chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo. Trải qua thời gian, các hạng mục đã bị hư hỏng. Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm 04 gian rộng, làm theo kiểu tứ trụ lòng thuyền. Các bộ vì kết cấu kiểu con chồng đấu sen, trên các bức cốn chạm quần long, hổ phù... Tại đình còn lưu giữ 03 pho tượng gỗ, đại tự, ngai, bát hương,...

Các hiện vật còn lưu giữ tại Đình Đền Mão Cầu

Lễ hội truyền thống tại cụm di tích được diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) hằng năm để tưởng nhớ đến các vị thần có công lao to lớn trong việc giữ yên bờ cõi, đem lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân.

Từ những giá trị trên, đình - đền Mão Cầu được xếp hạng là di tích “Lịch sử văn hóa” cấp Quốc gia theo Quyết định số 2461-QĐ/BT ngày 6/9/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

 

Tin mới nhất

Danh sách các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi (10/04/2024 3:24 CH)

Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi - (P14) - Đình Đanh Xá (10/04/2024 2:21 CH)

Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi (P11) - Đình Đanh (10/04/2024 10:55 SA)

Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi - (P13) - Đình Tượng Cước(10/04/2024 11:08 SA)

Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi (P12) - Đình Đào Xá(10/04/2024 10:59 SA)

Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi (P10) - Đình Cù Tu (05/04/2024 3:12 CH)

Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi (P8) - Đình Đào Quạt(05/04/2024 2:37 CH)

Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi (P4) - Đền Nhân Vũ(05/04/2024 8:51 SA)

Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi (P3) - Đền Trà Phương (05/04/2024 8:13 SA)

Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi (P6) - Đền Mão Đông - Đền Gạo...(05/04/2024 2:12 CH)