Xã Tân Phúc: Nhiều nông dân trồng lúa quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao

Đăng ngày 10 - 06 - 2024
100%

Xã Tân Phúc có 268 ha đất trồng lúa, trong thời điểm hiện nay nhiều hộ không mặn mà với đồng ruộng do đi làm công nhân hoặc chuyển sang các ngành nghề khác thì vẫn có những gia đình không quản “chân lấm, tay bùn”, mượn lại ruộng của các hộ đã chuyển nghề để đầu tư trồng lúa quy mô lớn, đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Toàn xã có 7 hộ đầu tư mô hình trồng lúa quy mô lớn, hộ nhiều nhất là 20 mẫu, ít nhất là 6 mẫu, chủ yếu ở các thôn: Vệ Dương, Đồng Mối, Thị Tân. Những năm gần đây, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trong việc hỗ trợ về giống, vốn; liên kết tiêu thụ sản phẩm, kết hợp với các ngành mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… cho cây lúa.

Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Na, thôn Đồng Mối, xã Tân Phúc là một trong số các hộ đã mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình từ việc tích tụ ruộng đất. Xuất thân trong gia đình nông nghiệp, nhờ cần cù, nhạy bén trong lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao, nhờ đó mô hình kinh tế của gia đình chị đã và đang mang lại hiệu quả cao. Gia đình chị thâm canh 15 mẫu lúa, trong khi đất nông nghiệp của gia đình chỉ có 2 sào, chị đã mượn ruộng của các hộ trong thôn Đồng Mối và thôn Vệ Dương để giao cấy. Để sản xuất đạt hiệu quả, gia đình đã đầu tư mua 1 máy cày, 1 máy cấy và nhiều thiết bị hiện đại phục vụ cho sản xuất. Toàn bộ các khâu làm nông nghiệp đều được áp dụng khoa học kỹ thuật: Lúa cấy bằng mạ khay máy cấy; thu hoạch lúa bằng máy gặt đập và thóc sau thu hoạch được thương lái thu mua thóc tươi tại ruộng, nhờ vậy năng suất cao vừa giảm công lao động, giảm chi phí. Gia đình tập trung gieo cấy các giống có chất lượng cao như: cấy giống Nếp hương vào vụ Xuân, cấy giống Nếp thơm Hưng Yên vào vụ Mùa; trung bình mỗi vụ, sản lượng thóc đạt trên 30 tấn, trừ các khoản chi phí mỗi năm gia đình chị thu lãi gần 200 triệu đồng.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên những thửa ruộng lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao

Chị Nguyễn Thị Na cho biết: “Tôi thấy nhiều gia đình không cấy, bỏ ruộng, tôi rất tiếc nên mượn lại cấy. Tôi thường xuyên thăm đồng và theo dõi sát sao các lứa sâu bệnh của cây lúa để phun trừ theo nguyên tắc “4 đúng” nên các diện tích lúa nhà tôi đạt năng suất cao, không bị sâu bệnh”.

Gia đình chị Lương Thị Huệ, thôn Vệ Dương cũng trồng lúa quy mô lớn từ năm 2018 với quy mô 10 mẫu. Những ngày này, cùng với nông dân trong xã, gia đình chị cũng đang hối hả tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín. Đang thoăn thoắt buộc các bao thóc để chuẩn bị cân bán cho thương lái, chị chia sẻ: “Phần vì tiếc đất, phần nhận thấy được việc sản xuất quy mô lớn sẽ cho giá trị cao hơn nên tôi đã đến từng hộ dân có ruộng không cấy mượn lại để sản xuất. Lãnh đạo thôn, xã rất đồng tình, người dân cũng đồng ý cho mượn ruộng”. Để phục vụ cho sản xuất, gia đình chị cũng đầu tư mua các loại máy móc như:  máy cày, máy lồng, máy cấy, máy bón phân, máy gặt. Ngoài thời gian phục vụ cho sản xuất của gia đình, chị còn làm dịch vụ cho các hộ trong thôn. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống;  chị cho biết: “lúa cấy bằng máy sẽ cứng cây, ít sâu bệnh; phun thuốc trừ sâu bằng máy giảm chi phí và công lao động”… Nhờ vậy, năm nào lúa của gia đình chị cũng đạt năng suất cao, chất lượng tốt được thương lái đến tận nơi thu mua với giá cao, giá thóc tươi từ 750 nghìn đến 900  nghìn đồng1 tạ thóc nếp, còn thóc tẻ như: BTS7, Tiền Hải chị bán thóc khô với giá 1,3-1,4 triệu đồng 100 kg.

Chị Lương Thị Huệ cho biết: “Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên giảm được công lao động; thâm canh lúa trên những thửa ruộng lớn nên thu nhập cũng khá”.

Những cánh đồng rộng lớn vàng óng trĩu bông nhờ bàn tay, khối óc của các hộ nông dân “dám nghĩ, dám làm” ở xã Tân Phúc đã cho thấy hiệu quả từ việc tổ chức lại sản xuất thông qua tích tụ ruộng đất hình thành các mô hình sản xuất lớn, gắn với cơ giới hóa, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để người dân có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương./.

Ý kiến bạn đọc
    Đọc thêm...

    Tin mới nhất

    Ân Thi rộn ràng mùa vải chín(04/06/2024 9:23 CH)

    Đồng chí Phạm Trường Tam, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ kiểm tra sản xuất của hợp tác xã vải...(14/05/2024 3:11 CH)

    Sở Nông nghiệp - PTNT thả cá phóng sinh, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản(16/04/2024 10:37 SA)

    Đồng chí Nguyễn Hùng Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện kiểm tra vùng...(27/03/2024 6:48 SA)

    Đồng chí Nguyễn Hùng Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện kiểm tra tiến...(16/02/2024 2:17 CH)

    Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa kiểm tra công tác lấy nước đổ ải vụ Xuân 2024(01/02/2024 7:19 SA)

    Phong trào trồng cây vụ đông ở thôn Bình Lăng, xã Tiền Phong(30/10/2023 8:42 SA)

    Huyện Ân Thi: Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023(16/10/2023 9:28 SA)

    Đồng chí Dương Tuấn Kiệt, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện kiểm tra sản xuất vụ Mùa(26/09/2023 2:49 CH)

    Huyện Ân Thi - Vải trứng được mùa, được giá(12/06/2023 1:05 CH)