23/11/2010 | lượt xem: 2 Lịch sử văn hóa Ân Thi Ân Thi thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền. Sau là huyện Thiên Thi thuộc lộ Khoái Châu xứ Sơn Nam quận Giao Chỉ, rồi thuộc phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng... Trước kia, dọc đường 38 địa phận xã Tân Phúc có dấu vết Thánh Gióng đánh giặc Ân là các ao nhỏ (vết chân ngựa ) và các búi tre làng ngà (vũ khí) liên tiếp trên cánh đồng. Là một địa phương có truyền thống hiếu học, huyện Ân Thi thời phong kiến đã có nhiều vị nổi danh khoa bảng. Thời nào Ân Thi cũng có những nhân vật lỗi lạc. Trong gần 10 thế kỷ khoa cử, Ân Thi đã đóng góp 41 nhà Đại khoa, đứng đầu toàn tỉnh (toàn tỉnh có 228 đại khoa). Có những làng, xã có truyền thống khoa cử lâu đời như Thổ Hoàng đã đóng góp 10 đại khoa (trong đó có 1 bảng nhãn, 9 tiến sỹ), Bình Hồ - xã Quảng Lãng, Phù Vệ - xã Tân Phúc ... đặc biệt có những dòng họ cha con, ông cháu đều đỗ đạt như: họ Hoàng (thôn Hoàng Cả, thị thấn Ân Thi) có 5 người đỗ đại khoa là: Hoàng Tuân (1517 - ?) đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ cập đệ nhị danh (Bảng nhãn) năm 1553; Hoàng Châu Nam (1539 - ?) cháu của Hoàng Tuân, 39 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ, khoa Tân Mùi (1571); Hoàng Công Chí (1641 - 1719), cháu xa đời của Hoàng Châu Nam cha của Hoàng Công Bảo, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Canh Tuất (1670); Hoàng Công Bảo (1680 - ?) con của Hoàng Công Chí đỗ khoa sỹ vong, 31 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ (1710); Hoàng Bình Chính (1736 - 1785) cháu nội Hoàng Công Bảo, 40 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ (1775). Sau đây là danh sách các vị đỗ đại khoa của huyện Ân Thi được ghi lại tại Văn miếu Xích Đằng, Hưng Yên: 1. Nguyễn Trung Ngạn, người Thổ Hoàng, đỗ Hoàng giáp, năm 1304. 2. Đặng Tuyên, người xã Tiền Phong, đỗ Hoàng giáp năm 1448. 3. Cáp Phùng, người xã Thổ Hoàng, đỗ tiến sĩ năm 1463. 4. Vũ Tín Biểu, người xã Tiền Phong, đỗ Tiến sĩ năm 1478. 5. Nguyễn Lệ, người xã Quảng Lãng, đỗ Hoàng giáp năm 1487. 6. Nguyễn Thuần Hỗ, người Hồng Vân, đỗ Hoàng giáp năm 1487. 7. Nguyễn Châu Chu (Nguyễn Thù), người xã Quảng Lãng, đỗ Tiến sĩ năm 1487. 8. Nguyễn Văn Bính, người xã Thổ Hoàng, đỗ Tiến sĩ năm 1505, 9. Nguyễn Kiều, người xã Quảng Lãng, đỗ Tiến sĩ năm 1511. 10. Nguyễn Chấn Chi, người Thổ Hoàng, đỗ Hoàng giáp năm 1518. 11. Vũ Đàn, người xã Thổ Hoàng, đỗ Tiến sĩ năm 1526. 12. Đinh Tú, người thôn Nam Trì xã Đặng Lễ, đỗ Tiến sĩ năm 1544. 13. Hoàng Tuân, người xã Thổ Hoàng, đỗ Bảng nhãn năm 1553. 14. Nguyễn Đức Trân, người xã Thổ Hoàng, đỗ Tiến sĩ năm 1562. 15. Đặng Cơ, người xã Quảng Lãng, đỗ Tiến sĩ năm 1556. 16. Hoàng Chân Nam, người xã Thổ Hoàng, đỗ Tiến sĩ năm 1571. 17. Hoàng Công Sân, người xã Thổ Hoàng, đỗ Tiến sĩ năm 1670. 18. Hoàng Công Bảo, người xã Thổ hoàng, đỗ Tiến sĩ năm 1710. 19. Vũ Công Thắng, người xã Thổ Hoàng, đỗ Tiến sĩ năm 1867. 20. Vũ Trác Oánh, người xã Thổ Hoàng, đỗ Tiến sĩ năm 1556. 21. Hoàng Bình Chính, người xã Thổ Hoàng, đỗ Tiến sĩ năm 1775. 22. Ngô Văn Phòng, người xã Tân Phúc, đỗ Hoàng giáp năm 1484. 23. Lương Quý, người xã Tân Phúc, đỗ Hoàng giáp năm 1532. 24. Lương Đức Mậu, người xã Tân Phúc, đỗ Tiến sĩ năm 1511. 25. Ngô Mậu Du, người xã Tân Phúc, đỗ Tiến sĩ năm 1565. 26. Nguyễn Độ, người xã Tân Phúc, đỗ Tiến sĩ năm 1518. 27. Ngô Văn Chính, người xã Tân Phúc, đỗ Tiến sĩ năm 1637. 28. Ngô Mậu Đôn, người xã Tân Phúc, đỗ Tiến sĩ năm 1523. 29. Phạm Quang Chiếu, người Bãi Sậy, đỗ Hoàng giáp năm 1676. 30. Đỗ Thạnh, người xã Tân Phúc, đỗ Tiến sĩ năm 1661. 31. Lương Giản, người xã Tân Phúc, đỗ Tiến sĩ năm 1526. 32. Vũ Vinh Tiến, người xã Phù ủng, đỗ Tiến sĩ năm 1640. 33. Đào Duy Điển, người xã Bãi Sậy, đỗ Tiến sĩ năm 1757. 34. Nguyễn Thạnh, người xã Tân Phúc, đỗ Tiến sỹ đời Lê. 35. Phan Trứ, người xã Phù ủng, đỗ Hoàng giáp năm 1832. Thời nhà Trần có hai người nổi tiếng là Nguyễn Trung Ngạn và Phạm Ngũ Lão. Nguyễn Trung Ngạn là nhà chính trị, ngoại giao có tài, trải nhiều chức vụ từ chức Thông giám đến Tể tướng. Năm 1304, đỗ Hoàng giáp, cùng khoa với Mạc Đĩnh Chi, sống cùng thời với Trương Hán Siêu, Chu Văn An... Ông là ngoại giao xuất sắc, có vai trò quan trọng trong hai lần đi sứ nhà Nguyên, bảo đảm chủ quyền và độc lập dân tộc. Thuở nhỏ ông đã nổi tiếng là thần đồng và có năng khiếu văn chương.Ông còn là nhà văn, nhà thơ có tài. “Lịch triều hiến chương loại chí” Viết: “Lời thơ hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Lăng (tức Đỗ Phủ). Những câu thơ hay nhiều không kể xiết. Thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém gì thơ thời thịnh Đường”. Tác phẩm của ông có: Giới Hiên thi tập, Hình luật thư... Hiện còn 84 bài thơ trong Giới hiên thi tập. Phạm Ngũ Lão là trợ lý của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn coi ông như người bạn, phải bày mưu làm lễ đổi họ chuyển con gái ruột là quận chúa Anh Nguyên thành con nuôi rồi gả cho Phạm Ngũ Lão. Vị tướng tài đức này đã bốn lần mang quân đi tiễu phạt quân Ai Lao quấy nhiễu, hai lần đánh thắng quân Chiêm Thành. Ông là người văn võ toàn tài, trung thành, liêm khiết, được phong là Điện súy Thượng tướng quân và được thờ cùng với Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần). Hậu duệ của ông Tiến sĩ Đinh Tú kể trên là Quận công Đinh Văn Tả mà Sách Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính xếp Đinh Văn Tả là bậc mãnh tướng như Phạm Ngũ Lão. Ông làm quan nhà Lê Thần Tông và Lê Huyền Tông. có công giúp chúa Trịnh Tạc, Trịnh Căn dẹp loạn nội bộ nhà Trịnh, dẹp loạn Đông Hải, dẹp tan nhà Mạc nên được chúa Trịnh ưu đãi. Được phong Đô Tổng binh, Quận công, Đô đốc, rồi Thượng tể và ban cho 300 mẫu ruộng bổng lộc. Câu ngạn ngữ: "Đánh giặc họ Đinh làm quan họ Đặng" để chỉ công lao, tài giỏi của ông. Trong lịch sử Việt Nam, ông là người duy nhất được phong làm Phúc thần Thành hoàng Thượng đẳng Đại vương khi đang còn sống (gọi là sinh phong). Khi mất được vua Lê, chúa Trịnh đến viếng, cho Bộ Lễ hộ tang về quê, được an táng như bậc vương giả và được ban thụy hiệu là Vũ Dũng. Chúa Trịnh Căn tặng ông đôi câu đối: Tiết việt quyền long triều túc tướng - Phiên toàn trách trọng quốc nguyên huân. Con cháu đều làm tướng giỏi, được phong 18 đời làm Quận công.