Huyện Ân Thi - Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội

1. Đánh giá tổng quát việc phát triển các chỉ tiêu kinh tế xã hội

Cơ cấu kinh tế phấn đấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Năm 2003, ngành dịch vụ thương mại đạt 29,4%, ngành nông nghiệp giảm xuống còn 56,7%; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, chiếm tỷ trọng 13,9%. GDP bình quân đầu nguời đạt 4,8 triệu đồng/năm. Doanh thu được trên 1 ha canh tác đạt 31,2 triệu đồng. 

Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, các mặt văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, dân số KHHGĐ triển khai có hiệu quả. Đến năm 2003 huyện Ân Thi tiếp tục duy trì và nâng cấp  bệnh viện  trung tâm thị trấn  với 90 giường bệnh, 1 trạm khám đa khoa khu vực, 21 trạm y tế xã, thị trấn, mỗi trạm có 4 - 7 giường bệnh.

Giáo dục đào tạo cũng có bước phát triển về quy mô, chất lượng. Huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS (2002). Huyện có 4 trường đạt chuẩn quốc gia.  Các hoạt động văn hoá, thể thao có chuyển biến tiến bộ, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Đến hết năm 2003 toàn huyện có 47 làng văn hóa và 24.100 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm chú trọng, đã  xây mới hàng trăm nhà tình nghĩa tặng cho các đối tượng chính sách. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 10%.

2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp

Huyện đã từng bước khôi phục, phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như chạm bạc Phù Ủng, nón lá Hồ Tùng Mậu, bánh đa Hồng Vân, Quảng Lãng và các ngành nghề khác như thêu ren, rèn, mộc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản phẩm tiêu dùng... Nhìn chung, sản xuất tiểu thủ công nghiệp vẫn mang tính chất  thủ công là chính, quy mô nhỏ, phân tán, có nhiều sản phẩm mang tính thời vụ. Năng suất lao động chưa cao và thu nhập cho người lao động còn ở mức thấp. Vốn đầu tư cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn ít, đã hạn chế tới khả năng tăng trưởng và mở rộng ngành nghề.

Đến nay toàn huyện đã có 13 công ty TNHH và HTX tiểu thủ công nghiệp hoạt động sản xuất  kinh doanh.

Nông nghiệp

Nông nghiệp có vị trí quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế của huyện. Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Ân Thi đã có bước tiến bộ và phát triển toàn diện theo hướng phát triển nông sản hàng hoá, tăng tỷ trọng thực phẩm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác.

Năm 2003, năng suất lúa đạt 121,6 tạ/ha,  đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển diện tích lúa sản xuất bấp bênh, kém hiệu quả sang mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Đến nay toàn huyện có 63 trang trại, đã cho thu nhập khá. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng khá, năm 2003 đạt 285,59 tỷ đồng, bình quân lương thực đầu người 726 kg/người/năm.  Ân Thi có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Có cấu nông nghiệp chăn nuôi chiếm 29,4% (năm 2003). Tổng đàn lơn có 50.966 con, đàn trâu 1.142 con, đàn bò 2.990 con, thực hiện Sind hóa đàn bò, đã thay thế bò truyền thống bằng bò lai Sind, bò sữa có giá trị kinh tế cao. Năm 2003 tổng đàn gia cầm là 760.000 con.

Công tác nuôi trồng thủy sản cũng được chú trọng phát triển, đến nay Ân Thi có 514 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản năm 2003 là 1.500 tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và cung cấp cho các vùng phụ cận. Đã mạnh dạn đưa dự án nuôi cá chép 3 máu, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, ba ba... vào sản xuất. Dần đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa.

Thương mại, dịch vụ

Thương mại, dịch vụ có bước phát triển tương đối khá, mạng lưới thương nghiệp đã mở rộng đến từng thôn, xóm. Hàng hoá đa dạng, phong phú, đáp ứng phần lớn nhu cầu và sức mua ngày càng tăng của nhân dân. Các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu; xi măng, sắt thép, gạch ngói phục vụ xây dựng dân dụng và các hàng hoá thiết yếu phục vụ sinh hoạt của nhân dân như quần áo, giày dép, sách vở học sinh, đồ điện dân dụng, phương tiện đi lại... phát triển đa dạng.  Ngành dịch vụ thương mại chiếm 29,4% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
31 người đang online