29/10/2004 | lượt xem: 2 Huyện Ân Thi - Định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2010 1. Các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội Mục tiêu phát triển tổng quát kinh tế-xã hội của huyện Ân Thi là thoát khỏi tình trạng một huyện nghèo, thuần nông, độc canh cây lúa. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ thương mại, giảm dần khoảng cách chênh lệch GDP bình quân đầu người so với mức bình quân trong tỉnh và khu vực, tạo tiền đề cơ bản cho quá trình phát triển vào những năm sau. Phấn đầu GDP bình quân đầu người năm 2005 là 350 USD và năm 2010 đạt 540 - 580 USD. Nhịp độ tăng trường kinh tế thời kỳ 2010 2005 đạt 9%/năm, năm 2006 - 2010 đạt khoảng 12%/năm. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, và các vấn đề xã hội khác. Đặc biệt lĩnh vực y tế chuyển giao nhanh công nghệ hiện đại vào khám chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo dân trí và thể lực của người dân không thua kém so với mức trung bình của tỉnh và khu vực. Phấn đầu tỷ lệ phát triển dân số ổn định thời kỳ 2001-2005 là 0,8%/năm, thời kỳ 2006 - 2010 là 0,6%/năm. Phát triển mạng lưới phát thanh truyền thanh, đưa các hoạt động văn hoá thể thao về cơ sở. Từng bước đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa thể thao, nâng cao dân trí đáp ứng nhu cầu hưởng thu của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2010 giữ vững tiêu chí phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, phổ cập giáo dụng THCS đạt chất lượng cao, tiến tới phổ cập giáo dục THPT, phát triển dạy nghề và hình thành các trung tâm ngoại ngữ tin học. Phấn đầu 100% số phòng học kiên cố cao tầng, 100% số trường học có trang thiết bị hiện đại cần thiết cho thực hành, thí nghiệm theo chương trình cải cách ở mỗi cấp. 2. Định hướng phát triển các ngành kinh tế Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Khuyến khích, quy hoạch và phát triển các cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ đầu tư để khôi phục nghề truyền thống, phát triển làng nghề, mở rộng tổ chức các HTX mới. Tập trung đầu tư các ngành kinh tế mũi nhọn như: cơ khí, vật liệu xây dựng, may mặc, thêu ren xuất khẩu, chế biến lương thực thực phẩm. Quy hoạch một số cơ sở chế biến thức ăn gia súc tổng hợp để phát triển đàn gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương. Căn cứ tiềm năng đất đai, lao động kêu gọi các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư xây dựng một số cơ sở sản xuất công nghiệp như : giày da, may mặc xuất khẩu, hoặc chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng... Phấn đầu đến năm 2005, GDP ngành công nghiêp-tiểu thủ công nghiệp chiếm 15% trong cơ cấu kinh tế, đến năm 2010 chiếm 20%. Nông nghiệp, thủy sản Giá trị nông nghiệp chiếm 55% trong cơ cấu kinh tế vào năm 2005 và giảm xuống còn 45% vào năm 2010. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hoá. Cơ cấu nông nghiệp năm 2005 đạt: Cây lương thực 40%; các loại rau quả, cây công nghiệp đạt 30%; chăn nuôi đạt 30%. Xây dựng vùng trồng cây ở các xã Đào Dương, Vân Du, Hồ Tùng Mậu, Văn Nhuệ. Vùng cây công nghiệp và rau quả từng bước được mở rộng, trước hết tập trung vào các xã Hạ Lễ, Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, ... đẩy mạnh thâm canh, phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh các dự án về phát triển chăn nuôi như : chương trình Sind hoá đàn bò, phấn đấu đưa bò nái lai Sind tăng nhanh trong những năm tới để đến 2005 đạt 70 - 80%; nạc hoá đàn lợn, đưa đàn lợn nái tăng bình quân hàng năm từ 5 - 6%. Từ nay đến năm 2010 tập trung chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp theo hướng ổn định sản xuất lương thực là trọng tâm, chuyển diện tích trong cây lúa năng suất thấp, bấp bênh kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Đưa nhanh giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt và sản xuất, tăng diện tích cây vụ đông hàng năm lên 50% diện tích canh tác. Phấn đấu đến năm 2010 toàn huyện có từ 150 - 200 trang trại, trong đó có 30% trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Thương mại, dịch vụ Củng cố và phát triển để hệ thống thương nghiệp quốc doanh vươn lên chiến lĩnh thị truờng, đáp ứng nhu cầu phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương. Thúc đẩy đa dạng hóa các hoạt động thương mại-dịch vụ, đưa một số sản phẩm nông nghiệp như lúa, dưa chuột tham gia xuất khẩu. Tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện. Phấn đấu GDP ngành dịch vụ, thương mại chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế năm 2005 và 35% vào năm 2010.