23/11/2010 | lượt xem: 2 Đền Trà Phương: (Lễ hội từ ngày 9/1 - 15/1 âm lịch) Di tích lịch sử văn hoá Đền Trà Phương - xã Hồng Vân được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia năm 1994. Về kiến trúc nghệ thuật thuộc thời Nguyễn. Đền Trà Phương (tên nôm là đền Chè Nhang, còn gọi là đậu Chè) thờ thiên thần, thờ vọng Trần Hưng Đạo. Trung Từ thờ Thành Hoàng bản thổ, gia tiên 18 họ trong làng và các vị có công lập ấp dựng làng, chống giặc ngoại xâm Theo thần tích vào năm 1471 vua Lê Thánh Tông khuyến khích lập dinh điền. 12 cụ đã đứng lên chiêu dân lập ấp dựng làng ở Đốn Sối đặt tên làng là làng Hóp, năm 1480 vua Lê mới công nhận làng chính thức và đổi tên làng là Chè Nhang. Đến thời vua Lê Trang Tông (1533) điện thờ được xây dựng (thượng điện) và đền được đổi tên theo tên làng là đền Chè Nhang. Năm Minh Mệnh 1820, làng xây tiếp Trung từ 5 gian nối liền thượng Điện, đổi tên làng là Trà Phương, đền cũng được đổi theo tên làng là đền Trà Phương. Năm Thành Thái (1906) đền được trùng tu và xây tiếp 5 gian đại bái rộng rãi, khang trang. Trải qua những biến cố của thiên nhiên và lịch sử trong kháng chiến bị giặc Pháp tàn phá đốt cháy mất 1/3 toà đại bái, chúng phá pháchmất một số đồ thờ tự, đền có 1 quả chuông rất to và đẹp nặng 780 kg, do yêu cầu của kháng chiến đền phải đem bán quả chuông trên để xung vào quỹ kháng chiến. Phong tục cúng lễ ở đền ngoài hương cau, hoa quả, ngũ vị trà, chỉ dùng đặc sản gạo nếp giã mịn trong trắng tinh khiết để cũng lễ. Trước đây cứ ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch cúng lễ mục giục, thay áo tượng, tẩy sạch áo cũ của tượng chia cho 5 giáp xé nhỏ để làm khước cầu phúc lộc. Ngày 8/3 âm lịch là ngày vào đám chính thức mở hội tế rước linh đình, đốt cây bông, hát chèo, chọi vật, đánh cờ... Theo phong tục của làng cứ ngày 8/3 người dân Trà Phương đi xa ở đâu tới ngày ngày vào đám cúng trở về đền thắp hương cầu phúc lộc và vui chơi nên có câu: Bao giờ mồng 8 tháng 3 Cho làng vào đám, cho ta xem chèo Ngày vào đám gồm 25 quan viên tế, quần áo chỉnh tề, tế lễ trang nghiêm. tôn kính. Đền Trà Phương còn là căn cứ địa cách mạng của một vùng rộng lớn thuộc nam Hưng Yên, là trung tâm truyền bá cách mạng, một cơ sở giáo dục truyền thống yêu nước qua nhiều thế hệ, là nơi che dấu bảo vệ nhiều cán bộ trung ương, tỉnh, huyện về chỉ đạo kháng chiến và phục vụ nhiều hội nghị tại đền lúc bí mật cũng như lúc công khai.