15/01/2021 | lượt xem: 3 Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn Nguyễn Trung Ngạn sinh năm Kỷ Sửu (1289) mất năm Canh Tuất (1370). Thuở nhỏ tên là Cốt, sau đổi là Trung Ngạn, tự Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay thuộc thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ra và lớn lên tham gia các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội vào thời gian sau 3 lần thắng Mông, Nguyên, trong hào khí Đông A hào hùng. Trong thời hậu chiến, các vua Trần đang ra sức khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh và khôi phục lại đất nước nên rất coi trọng việc đào tạo nhân tài bằng chế độ khoa cử theo tinh thần nho giáo. Lớn lên trong bối cảnh lịch sử đó, với tài năng và trí thông minh vốn có, ông đã sớm có cơ hội biểu thị và phát huy năng lực của mình. Năm 1304, ông thi đỗ Hoàng Giáp khi mới 16 tuổi (tuổi ta) và đương thời gọi là thần đồng... Khoa đó, Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên, Bùi Mỗ đỗ Bảng nhãn, Trương Phóng đỗ Thám hoa. Ba vị tam khôi được hưởng vinh dự, được đưa ra cửa Long môn của Phương Thành để du ngoạn phố phường trong 3 ngày. Từ đó cho đến lúc mất, Nguyễn Trung Ngạn đã được nhà Trần trọng dụng, vừa tham dự triều chính, vừa sáng tác thơ văn, hết lòng phò tá vương triều và ra sức giúp dân dựng nước, lập nên sự nghiệp rạng rỡ, để lại cho hậu thế một di sản quý giá. Sự nghiệp và công lao của Nguyễn Trung Ngạn thể hiện trên một số lĩnh vực sau: - Lĩnh vực chính trị Nếu tính từ năm 1312, khi mới 24 tuổi ông được đề bạt lên chức Gián quan đến năm ông được thăng chức Nhập nội Đại hành khiển (Tể tướng) thì Nguyễn Trung Ngạn làm quan tới hơn 40 năm. Từ đó đến khi mất, ông đã giữ nhiều chức trách, như: Thị ngự sử ở đài Ngự sử (1321), Thông phán châu Viêm Lãng; An phủ sứ Thanh Hóa (1326); Nội mật viện Phó sứ và Tri thẩm hình viện sự (1332); An phủ sứ Nghệ An kiêm Quốc sử viện Giám tu quốc sử (1337); Đại doãn Kinh sư (1341); Hành khiển tri khu mật viện sự (1342); Nhập nội Hành khiển (1351); Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Nhập nội Đại hành khiển; Thượng thư hữu bật, kiêm tri Khu mật viện sự, thị Kinh diên Đại học sĩ, trụ quốc Khai Huyện bá, Thân quốc công (1355). Nói chung, ông được nhà vua và Thượng hoàng tin cậy giao nhiều trọng trách và trên cương vị nào ông cũng thực thi nhiệm vụ một cách mẫn cán, hết lòng vì vua, vì nước vì dân, một đại thần có tài kinh bang tế thế được xếp vào hàng Người phò tá có công lao tài đức thời Trần gồm 9 vị, cùng với Nguyễn Trung Ngạn là Trần Quang Khải, Mạc Đình Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hải, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyễn Đán.. Một người làm quan mà được các bạn đồng liêu, nhất là người bạn đồng liêu ấy lại là Trần Nguyên Đán - một vị tôn thất họ Trần, một nhân cách lớn thời Trần mạt ca ngợi là Sáng rực như sao Bắc Đẩu, cao vòi vọi như núi Thái Sơn thì đủ thấy Nguyễn Trung Ngạn có uy tín chính trị lớn đến chừng nào thời bấy giờ! Người xưa theo thuyết Chính danh của Khổng Tử, họ chỉ nói điều gì, so sánh cái gì khi mà Danh và Thực tương xứng nhau. Do vậy, ở đây, chúng ta tin rằng những điều Trần Nguyên Đán nhận xét về Nguyễn Trung Ngạn nói trên, không bao giờ chỉ là cách xã giao! - Lĩnh vực quân sự, ngoại giao Trên lĩnh vực quân sự, Nguyễn Trung Ngạn không phải là võ tướng trực tiếp cầm quân ra trận, nhưng ông 2 lần được cử theo Thượng hoàng đi chinh phạt. Năm 1329, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi tuần thú đạo Đà Giang và thân chinh đánh Ngưu Hống; Nguyễn Trung Ngạn đi theo để biên chép thực lục, ông tham gia cuộc chinh phạt như một sử thần. Năm 1334, Thượng hoàng Trần Minh Tông lại đi tuần thú đạo Nghệ An và thân chinh đánh Ai Lao, Nguyễn Trung Ngạn đang kiêm chức An phủ sứ Thanh Hóa được cử làm nhiệm vụ hậu cần của quân đội. Sau khi cuộc hành quân kết thúc, ông được Thượng hoàng sai mài núi đá khắc bia ghi công mà sau này gọi là Ma nhai kỳ công văn (Ma nhai kỷ công bi văn) (nay thuộc địa phận thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Năm 2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng “Bia Ma Nhai” là di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Khả năng quân sự của Nguyễn Trung Ngạn biểu thị rõ nét hơn ở công việc tổ chức và quản lĩnh cấm quân. Năm 1342, ông giữ chức Hành khiển tri Khu mật viện sự. Cấm quân là lực lượng quân đội đặc biệt làm nhiệm vụ bảo vệ vùng cung cấm tức khu cấm thành, bảo đảm sự an toàn của nhà vua, triều đình, hoàng gia. Trước đây, cấm quân thuộc Thượng thư sảnh, nay chuyển sang Khu mật viện. Nguyễn Trung Ngạn đã lo chấn chỉnh lại lực lượng quân sự đặc biệt này, tuyển mộ đinh tráng để các lộ bổ sung đủ ngạch quân và lập sổ sách quản lý. Cuối năm 1351, vua Trần Dụ Tông sai duyệt cấm quân tại Sân Rồng (Long Trì) trước điện Thiên An, Vua ngự ở điện Thiên An để trực tiếp xem duyệt quân, Nguyễn Trung Ngạn mặc áo chiến bào, đội mũ đỏ, đeo thẻ bài gỗ, nghiên vàng để duyệt cấm quân, định loại hơn kém. Đây là lần Nguyễn Trung Ngạn xuất hiện như một võ tướng quản lĩnh cấm quân. Nhà vua giao lực lượng cấm quân cho Nguyễn Trung Ngạn không những chứng tỏ niềm tin cậy lòng trung thành mà cả khả năng quân sự của ông. Trong lĩnh vực ngoại giao, sử sách còn chép Nguyễn Trung Ngạn là nhà ngoại giao thông minh, mưu trí. Cụ thể: tháng 10 năm 1314, sứ nhà Nguyên sang đọc quốc thư; sau đó vua sai Nguyễn Trung Ngạn và Phạm Mại sang Nguyên đáp lễ. Tháng 4 năm 1324, vua Nguyên sai Mã Hợp Mưu, Dương Tông Thụy sang báo tin lên ngôi và trao cho một quyển lịch. Về việc này, Toàn thư và Cương mục chép: “Bọn Mưu đi ngựa đến tận đường ở cầu Tây Thấu Trì không xuống. Những người biết tiếng Hán, vâng lệnh tiếp chuyện, từ giờ Thìn đến giờ Ngọ, khí giận càng tăng. Vua sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra đón. Nguyễn Trung Ngạn lấy lẽ bẻ lại. Hợp Mưu đuối lý , phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ. Vua rất hài lòng”. - Lĩnh vực thi ca Theo Lịch triều hiến chương loại chí, các tác phẩm còn lại của Nguyễn Trung Ngạn chủ yếu tập trung trong tập Giới hiên thi tập, gồm 1 quyển. Còn theo Phan Huy Chú, nguyên tập đã mất chỉ còn tản mát trong những tập thi quyển của các nhà. Sau ông Phan Huy Ôn đã chép lại được hơn 80 bài. Còn trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn thì chép được 84 bài của Nguyễn Trung Ngạn. Khi nhận xét về thơ đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn, Phan Huy Chú viết: “các bài thơ luật Động Đình hồ, Nhạc Dương lâu, Hùng Tương dịch, Ung Châu, bài nào lời thơ cũng mạnh mẽ, phóng khoáng khác thường”. Chẳng hạn như bài Động Đình hồ: Vân đào tuyết lãng tứ man man. Chỉ trụ trung lưu ngật nhất san. Hạc tích bất lai tùng tuế lão, Tương hồn do tại trúc ngân ban. Càn khôn noãn phá hồng môn hậu, Nhật nguyệt bình phù hiệu diếu gian, Nhạn chỉ đinh lan vô hạn hứng, Phiến tâm không tiển bạch âu nhàn. ( Bốn bề mông mênh làn sóng bạc Đột ngột một {hòn}núi như cột đá giữa dòng. Vết chân hạc không đến, chỉ có cây tùng già; Hồn Tương quân hãy còn ngấn lệ ở thân trúc. Trời đất như {quả} trứng vỡ {ra} sau thời hồng hoang. Mặt Trời, mặt Trăng như bèo nổi trên khoảng bát ngát. Cỏ chỉ cỏ lan bên bờ, hứng thú vô cùng. Tấm lòng chỉ muốn được nhận như chim âu trắng). Ngoài những bài thơ làm trong chuyến đi sứ, ông còn làm rất nhiều thơ hay, đặc biệt là thơ tứ tuyệt. Phan Huy Chú viết: Những câu hay rất nhiều, không thể kể hết. Thơ tớ tuyệt lại càng hay, không kém gì thời Thịnh, Đường. Ví dụ như bài Ngày mùa xuân: Uynh hồi trúc kính nhiễu hoang trai, Tỵ tục sài môn trú bất khai. Oanh điểu nhất thanh xuân thụy giác, Lạc hoa vô số điểm thương đài. ( Quanh co ngõ trúc vây nhà vắng, Lánh tục cổng chà ngày chẳng khai. Một tiếng oanh hót tỉnh giấc xuân. Vô số hoa rụng điểm rêu biếc) Nguyễn Trung Ngạn còn thể hiện tài năng trên nhiều lĩnh vực khác, như: lĩnh vực luật pháp – ông được giao nhiệm vụ xét xử các vụ án, kiện tụng; ở vai trò này ông luôn là một người rất sáng suốt, công tâm không ai bị xử oan hoặc quá đáng. Ông còn được vua tin tưởng giao cùng với Trương Hán Siêu khảo soạn bộ Hình thư để ban ban hành. Ông còn là nhà hoạch định chính sách sáng suốt đã có sáng kiến lập ra các kho Tào thương để chứa thóc tô với mục đích kịp thời chấn cấp cho dân đói. Đề nghị này được vua chấp nhận và Xuống chiếu cho các lộ bắt chước thế mà làm. Có thể nói qua những thư tịch cổ ghi chép lại có thể thấy chân dung Nguyễn Trung Ngạn được phác họa nên với những nét đậm, nhạt khác nhau nhưng có đủ cả 3 phẩm chất của bậc chính nhân quân tử Nho giáo là Nhân - Trí - Dũng. Một tấm lòng tận trung với vua và luôn luôn ôm nỗi ưu dân ái quốc, một tài năng kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực. Sau khi ông qua đời, nhân dân nhiều nơi ở Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên... lập đền thờ. Riêng ở Hà Nội, theo kết quả điều tra của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc - có 07 đền miếu thờ vị đứng đầu kinh thành này, nhưng nay chỉ còn 03: Đền Tiên Hạ ở 46A, Phất Lộc; đền Hương Tượng ở 64 Mã Mây và đền Hương Nghĩa ở 13B Đào Duy Từ. Đền thờ Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn tại làng Hoàng Cả, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên quê hương ông cũng nằm trong số đó. Đền thờ Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn được xây dựng tại thôn Hoàng Cả, thị trấn Ân Thi huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên. Đền tọa lạc trên diện tích khoảng 9.335,6m2 với các hạng mục gồm: Đền thờ, Nghi môn, Bình phong, Cổng đền, Lầu chuông - Gác trống, Tả vu - Hữu vu, Nhà bếp - Nhà thủ từ, Am hoá vàng và các hạng mục phụ trợ. Đây là công trình mang đậm nét kiến trúc truyền thống, hòa hợp với không gian, cảnh quan làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đền thờ được xây dựng trục cân xứng với cổng và đền chính nhìn về hướng Tây Bắc. Theo trục thần đạo, mở đầu khuôn viên di tích là cổng đền với ba cửa ra vào. Cửa giữa làm kiểu bốn mái truyền thống cao vượt hẳn lên so với hai cổng phụ, trên lợp ngói ta. Trung tâm bờ nóc đắp hình tượng mặt trời với các hoa văn mây xoắn và các đao lửa đang bốc lên. Trung tâm cổng chính là yết bảng đề "ĐỀN THỜ DANH NHÂN NGUYỄN TRUNG NGẠN" bằng chữ Quốc ngữ, hai bên thân cổng để đôi câu đối chữ Hán. Qua khoảng sân rộng là du khách sẽ đến đến khu thờ chính có kết cấu kiểu chữ Đinh (丁) gồm Tiền tế và Hậu cung, các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ lim theo phong cách truyền thống. Ngoài ra, trong khuôn viên Đền thờ Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn còn nhiều hạng mục công trình phụ trợ như: Hai tòa Tả vu và Hữu vu được sử dụng làm nơi đón tiếp, phục vụ việc sắp sửa lễ của Nhân dân trong vùng và khách thập phương. Khu mộ của cụ Nguyễn Trung Ngạn Nằm cách đền thờ khoảng 1km về phía Đông. Phần mộ của cụ được đặt ở cồn Con Nhạn (hình đất như con nhạn). Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc về lịch sử văn hóa, đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên xếp hạng di tích lịch sử ngày 01/10/2020. Nếu có dịp đến Hưng Yên, mời quý khách ghé thăm đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn để tìm hiểu về thân thế sự nghiệp cũng như những đóng góp to lớn của một danh nhân và những giá trị của Di tích trên mảnh đất Ân Thi văn hiến và anh hùng./. Lê Thị Hạnh - Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Ân Thi