01/05/2021 | lượt xem: 4 Ân Thi phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vững vàng trên chặng đường mới Từ sự kiện thành lập Chi bộ ghép Giai – Ninh Thôn, xã Trần Phú (nay là xã Cẩm Ninh) ngày 24.4.1941,chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ huyện Ân Thi, trên chặng đường 80 năm vẻ vang, Đảng bộ huyện Ân Thi luôn kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đoàn kết, thống nhất, vận dụng linh hoạt mọi chủ trương, đường lối của Đảng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phong trào cách mạng ở xã Cẩm Ninh (trước đây là xã Trần Phú) nói riêng và huyện Ân Thi phát triển khá sớm. Năm 1933, ở thôn Lã Xá, xã Cẩm Ninh đã thành lập tổ chức nông hội đỏ. Sau một thời gian bị đàn áp, những năm 1936 - 1939, một số cơ sở cách mạng trong huyện được phục hồi, củng cố, nhất là ở Giai, Thi, Ninh Thôn, Cẩm La, Lã Xá, Nhân Lý... Hội Thanh niên phản đế Ninh Thôn, Giai Thôn được thành lập nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước. Hội Thanh niên phản đế ở Giai Thôn và Ninh Thôn ra đời phù hợp với xu thế cách mạng lúc bấy giờ. Từ đây đã xuất hiện những hạt nhân ưu tú của Đảng, là quá trình chuẩn bị lực lượng cách mạng cho sự ra đời của chi bộ cộng sản sau này. Đầu năm 1940, Xứ ủy Bắc kỳ và Liên tỉnh B cử cán bộ về Ân Thi để giúp đỡ cơ sở, mở rộng phong trào. Cơ sở Ninh Thôn được giữ vững và phát triển ra các thôn: La Chàng, Cẩm La, Lã Xá, Hạ Lễ… Các cơ sở trong huyện đã có sự kết nối, liên hệ với nhau.Thực tế phong trào cách mạng ở địa phương lúc này đòi hỏi phải có tổ chức Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1941, đồng chí Lý Anh (cán bộ Liên tỉnh B) đã kết nạp được 05 hội viên phản đế ở Giai Thôn và Ninh Thôn vào Đảng, gồm các đồng chí: Nguyễn Quang Biểu, Dương Thành Mạnh, Nguyễn Văn Phố, Trần Văn Hoan và Mai Văn Thạnh. Ngày 24.4.1941, tại Ninh Thôn, đồng chí Lý Anh thay mặt Liên tỉnh B tuyên bố thành lập Chi bộ ghép Giai - Ninh Thôn. Chi bộ gồm 05 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Quang Biểu làm Bí thư chi bộ, đánh dấu sự ra đời của Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Ân Thi - tiền thân của Đảng bộ huyện Ân Thi. Chi bộ Đảng đầu tiên ở Ân Thi ra đời là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân trong huyện. Sau khi chi bộ Đảng thành lập, theo sự phân công của cấp trên và chi bộ, các Đảng viên toả ra các thôn, xã trong huyện để tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ quần chúng, từ đó bồi dưỡng, kết nạp họ vào các tổ chức quần chúng, tham gia hội phản đế. Và từ các tổ chức này, những hội viên ưu tú đã sớm giác ngộ cách mạng và được xem xét, kết nạp vào Đảng. Có chi bộ Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng ở huyện Ân Thi ngày càng lớn mạnh, tập hợp quần chúng Nhân dân trong huyện vùng lên đấu tranh, cùng cả nước giành chính quyền về tay Nhân dân trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, sau này là Đảng bộ huyện, trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như thời kỳ vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam, cán bộ, Đảng viên và Nhân dân huyện Ân Thi ra sức thi đua, hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, huyện Ân Thi có 2.907 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh; 1.311 thương binh, bệnh binh. Toàn huyện có 349 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 06 xã và 05 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2001, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Ân Thi vinh dự được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... Sau 80 năm, Đảng bộ huyện có trên 7.800 Đảng viên ở 48 chi bộ, Đảng bộ trực thuộc. Vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng được giữ vững; các tổ chức trong hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả … Ngày 01.4.1996, huyện Ân Thi được tái lập trong điều kiện là huyện nông nghiệp, độc canh cây lúa; công nghiệp hầu như chưa có, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ; thương mại chậm phát triển. Hệ thống điện, đường, trường, trạm chưa được đầu tư. Đặc biệt, hệ thống giao thông chỉ có một số tuyến đường đá cấp phối và đường gạch, còn lại là đường đất, thiếu kết nối liên hoàn, đi lại rất khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 2,6 triệu đồng; thu ngân sách năm 1999 đạt 3,74 tỷ đồng… Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của tỉnh, tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ân Thi đã tập trung trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng, nguồn lực của địa phương, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Ở mỗi giai đoạn, Đảng bộ huyện đề ra nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá và những vấn đề được ưu tiên để kinh tế, xã hội phát triển nhanh, bền vững. Sau 25 năm, đồng hành với công cuộc đổi mới đất nước, huyện Ân Thi đã vươn lên về mọi mặt. Cụ thể, tổng thu ngân sách năm 2020 đạt 259,9 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 50,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,9%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ sớm nắm bắt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất, chăn nuôi đã từng bước tiếp cận theo hướng sản xuất hàng hoá đi đôi với thâm canh, đa dạng hoá sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường. Từ chủ trương dồn thửa, đổi ruộng, bình quân mỗi hộ còn từ 01 đến 02 thửa. Đồng ruộng được chỉnh trang, quy hoạch mới; hệ thống thủy lợi được đầu tư, nâng cấp. Đến năm 2020, toàn huyện đã chuyển đổi gần 1000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi thả thủy sản.Toàn huyện có 06 hợp tác xã và 01 Tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận Vietgap; 05 nhóm sản phẩm (nhãn quả, nấm, cam, thịt lợn, cá) được chứng nhận Vietgap với tổng diện tích được cấp là 60,4 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu từ 350 đến 600 triệu đồng/ha/năm. Năm 2020, đàn lợn đạt gần 50 nghìn con; đàn trâu, bò đạt 3.380 con; đàn gia cầm gần 1.400 triệu con; từng bước hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Diện tích nuôi trồng thủy sản mở rộng 750 ha, sản lượng hằng năm đạt trên 6.800 tấn. Từ hai xã Hồng Quang và Vân Du được lựa chọn làm điểm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân, cùng với các nguồn lực, nội lực được phát huy tối đa, sau 10 năm, nông thôn ở Ân Thi đã có diện mạo mới, sức sống mới với 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trước yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, huyện tập trung việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, tạo đột phá cho sự phát triển của huyện.Hiện toàn huyện có trên 1.000 km đường giao thông, phân bố khá đồng bộ; có tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với chiều dài trên trên 9 km chạy qua địa bàn 05 xã; đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 5,6 km chạy qua địa phận 03 xã; cùng các tuyến đường tỉnh, đường huyện và giao thông nông thôn, giao thông nội đồng đã tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, kết nối các địa phương, thuận lợi cho việc đi lại và giao thương, sản xuất. Cũng từ thuận lợi này, huyện Ân Thi đã và sẽ trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn với 08 cụm công nghiệp đã được quy hoạch, trong đó, 03 cụm đã có quyết định thành lập gồm: Quãng Lãng- Đặng Lễ; Quang Vinh- Vân Du và Văn Nhuệ, bước đầu thu hút hơn 30 dự án đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 184 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, huyện có chính sách khuyến khích, mở rộng làng nghề, ngành nghề truyền thống, hội nhập nghề mới, tăng thu nhập cho người dân. Các xã, thị trấn trong huyện đã có trụ sở làm việc khang trang, hội trường, nhà văn hóa xã, thị trấn được nâng cấp và xây mới. Trường học, trạm y tế và hầu hết nhà văn hóa thôn được quan tâm đầu tư.Công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe của Nhân dân được chú trọng, đặc biệt công tác phòng, chống dịch Covid-19; 100% số xã, thị trấn đạt xã chuẩn quốc gia về y tế. Công tác chăm lo gia đình chính sách, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm. An ninh - quốc phòng được củng cố, giữ vững… Những thành quả cách mạng của huyện Ân Thi trong 80 năm qua khẳng định vai trò lãnh đạo của chi bộ cộng sản đầu tiên, sau này là Đảng bộ Ân Thi. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ân Thi sẽ phát huy thành quả cách mạng,thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, các nhiệm vụ chính trị, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và quê hương Ân Thi cách mạng, anh hùng, xây dựng huyện Ân Thi ngày càng giàu đẹp, văn minh. Mai Xuân Giới - Bí thư Huyện ủy Ân Thi