24/07/2018 | lượt xem: 4 Ân Thi một hồn quê văn hiến Hưng Yên Nằm ở hạ lưu sông Hồng, là huyện thuộc phía Đông của tỉnh Hưng Yên, mảnh đất Ân Thi nổi tiếng với truyền thống hiếu học, với nhiều di tích lịch sử, các làng nghề và nghệ thuật cổ truyền tiêu biểu của vùng quê văn hiến Hưng Yên. Nổi tiếng với truyền thống hiếu học, mảnh đất Ân Thi có hơn 30 vị đỗ đạt Tiến sĩ, Hoàng giáp được ghi danh trên bia đá Văn miếu Xích Đằng ( thành phố Hưng Yên) tiêu biểu như Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn – nhà chính trị, ngoại giao xuất sắc – đóng vai trò quan trọng trong hai lần đi xứ nhà Nguyên ... Ân Thi còn được biết đến là quê hương của vị tướng tài ba Phạm Ngũ Lão (1225- 1320), một vị tướng “Văn võ toàn tài”- Người có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông và Ai Lao. Đền Ủng- Nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão Trải qua quá trình lịch sử, vùng quê Ân Thi còn là nơi lưu giữ hệ thống di tích lịch sử văn hóa độc đáo: Đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ: đền thờ Đế Thích ( Cẩm Ninh), đền thờ Thái thượng Lão Quân (Hồng Vân), đền thờ Thừa tướng Lữ Gia, Tướng Lang Công, Cao Biền, Tả Ao (Nam Trì – Đặng Lễ)... Đặc biệt phải kể đến quần thể di tích đền Phù Ủng - nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão (Xã Phù Ủng).Quần thể di tích đền Phù Ủng được xây dựng và trùng tu vào thời Nguyễn, ngay trên nền nhà cũ của gia đình. Toàn bộ khu di tích nằm trên địa thế “ Thất tinh ứng hậu, hình nhân bái tướng, voi quỳ ngựa phục, bên bút bên nghiên – bên cờ bên kiếm, ở giữa có mô hòn ngọc, cạnh dòng sông Cửu Yên như rồng uốn khúc, mà đầu rồng là khu đất dựng đền nhô hẳn ra khỏi làng”. Là một di tích kiến trúc đồ sộ quy mô rộng lớn hoàn chỉnh, khu di tích đền Phù Ủng bao gồm 2 khu với các di tích tiêu biểu: đền chính thờ Điện súy Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, lăng Phạm Tiên Công (Thân sinh ra Phạm Ngũ Lão)... Cụm di tích đền Phù Ủng là nơi tưởng nhớ người con của quê hương Ân Thi đã góp phần làm rạng danh mảnh đất địa linh nhân kiệt Hưng Yên. Trong những ngày đầu năm mới, Ân Thi như sáng bừng sức sống với việc khai hội đền Phù Ủng. Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu và là lễ hội mở đầu cho một mùa lễ hội ở Hưng Yên. Lễ hội tổ chức từ ngày 11 đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm, được chia làm hai phần. Phần lễ với các nghi thức: Đại lễ, tục rước kiệu công chúa Tĩnh Huệ...; phần hội được tổ chức với các trò chơi dân gian tương truyền do Tướng quân Phạm Ngũ Lão sử dụng để rèn luyện thân thể cho quân sĩ như vật cù, nhẩy mô đống... Lễ hội truyền thống đền Phù Ủng là lễ hội mang đậm giá trị văn hóa sâu sắc. Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của danh tướng họ Phạm mà còn giáo dục cho những thế hệ sau về ý chí vươn lên, về lòng yêu nước, minh chứng về nền văn hiến lâu đời của dân tộc. Là vùng chiêm trũng , mảnh đất Ân Thi còn là quê hương của nhiều làng nghề truyền thống: Chạm bạc Huệ Lai (Phù Ủng), Đan nón Mão Cầu( Hồ Tùng Mậu)... Dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng nghề, các sản phẩm làng nghề được sản xuất thủ công rất công phu, mang nét đặc trưng riêng theo bản sắc văn hóa Đồng bằng châu thổ và đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Bức tranh quê hương Ân Thi ngày nay Mảnh đất ân tình nhân nghĩa Ân Thi còn được biết đến với nghệ thuật truyền thống hát Trống Quân tại Đào Quạt. Là một hình thức hát giao duyên đối đáp trai gái,, nam nữ, hát Trống Quân không cầu kì, chỉn chu như hát Quan họ, hát Chèo mà hát theo lối ngẫu hứng ứng tác, người hát thường là người nhanh nhẹn tháo vát thông minh có giọng hát hay, vang khỏe. Không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật truyền thống, hát Trống Quân chính là phong tục, tập quán, thể hiện lối sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân tộc của người dân Ân Thi. Khám phá mảnh đất Ân Thi là một hành trình truyệt vời cho những ai muốn được trải nghiệm về cuộc sống của một vùng quê chiêm trũng với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, đầm sen thơm ngát, vị ngọt bùi của củ ấu, hương vị ngọt thơm béo ngậy của món canh cá rô đồng mang đậm hồn quê mộc mạc, bình dị như chính người dân nơi đây. Văn phòng HĐND-UBND huyện