23/11/2010 | lượt xem: 7 Tổng quan Ân Thi 1. Điều kiện tự nhiên Vị trí địa lý: Ân Thi là một huyện nằm ở hạ lưu sông Hồng thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ và nằm ở phía đông tỉnh Hưng Yên. Phía bắc giáp huyện Yên Mỹ và Mỹ Hào, phía nam giáp huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía tây giáp huyện Khoái Châu, Kim Động. Huyện lỵ Ân Thi cách trung tâm tỉnh lỵ Hưng Yên 25 km về phía tây nam, cách thủ đô Hà Nội 50km về phía bắc. Đặc điểm địa hình: Ân Thi nằm ở vùng đất thấp của tỉnh Hưng Yên, địa hình thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, độ cao thấp của đất xen kẽ nhau, không đồng đều, gây khó khăn cho công tác thuỷ lợi và tưới tiêu. Khí hậu: Ân Thi nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm có bốn mùa rõ rệt, mùa đông khí hậu khô hanh, cuối mùa ẩm ướt, mùa hạ nóng ẩm nhiều mưa. Lượng mưa trung bình từ 1.400 - 1.500mm, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lạnh và thường có mưa phùn. 2. Tài nguyên thiên nhiên Ân Thi có diện tích đất tự nhiên 128,22km2. Trong đó: đất nông nghiệp 9.358,31 ha, đất chuyên dùng 2.021,66 ha, đất ở 914,56 ha, đất chưa sử dụng 527,36 ha. Ân Thi có hệ thống sông ngòi đều khắp không chỉ để tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn tạo thành hệ thống giao thông thuỷ thuận tiện cho việc phát triển kinh tế. Ngoài ra huyện còn có nguồn nước ngầm hết sức phong phú, đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp và đô thị. 3. Kết cấu hạ tầng Cấp điện: Huyện có đường dây cao thế với tổng chiều dài 114,4km, trong đó đường dây 35KV là 64,5km, đường dây 10KV là 49,9km; có 80 trạm biến áp, trong đó có 38 trạm biến áp 35/0,4KV, có 41 trạm biến áp 10/0,4KV, 1 trạm biến áp 35/10KV. Đường dây trung thế dài 114 km và hàng trăm km đường dây hạ thế khác. Tổng số trạm biến áp của lưới điện Ân Thi là 79 trạm/86 máy biến áp với tổng dung lượng 22.345 KVA. Cấp nước: Hệ thống cấp nước của huyện nhìn chung còn thiếu, huyện có 2 trạm cấp nước sạch cho nhân dân 2 khu vực xã Hồng Quang và thị trấn Ân Thi, còn chủ yếu dùng giếng khoan nước ngầm để cung cấp nước sinh hoạt. Nước tự nhiên, nước sông ngòi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Giao thông: Có 3 quốc lộ đi qua: quốc lộ 38, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hoàn thành năm 2012) và quốc lộ 39 mới (dự án). Đường quốc lộ 38 chạy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, từ thị trấn Kẻ Sặt huyện Bình Giang, cắt ngang huyện, qua thị trấn Ân Thi, sang nối với đường quốc lộ 39 ở Kim Động. Hiện nay, huyện quản lý 56,6 km đường với các tuyến đường như: đường 38B, đường 200B, 200C, 200D, đường đê 199. Đã rải nhựa 19,8km, đá cấp phối 30,5km. Hệ thống đường liên xã, liên thôn dài 452 km được nối với các trục đường liên tỉnh, liên huyện được rải bằng vật liệu cứng là 187,6 km (đạt 41,5%). Hệ thống đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải được xây dựng hoà cùng hệ thống sông ngòi của huyện, tạo thành mạng lưới thuỷ nông, giao thông thuận tiện cho việc phát triển kinh tế. Thông tin liên lạc: Toàn huyện có 300km cáp các loại với 4 tổng đài, 17 bưu điện văn hoá xã. Các dịch vụ bưu chính viễn thông như vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, chuyển tiền, chuyển phát nhanh,... phát triển tương đối nhanh và đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao, tổng số máy điện thoại thuê bao đến tháng 6/2004 đạt 3.874 máy, bình quân 2,9 máy/100 dân. 4. Tiềm năng du lịch Trên mảnh đất huyện Ân Thi có nhiều di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng, tiêu biểu là quần thể di tích Đền Phù Ủng, nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão hàng năm được tổ chức từ ngày 11 đến 15 tháng giêng đã thu hút đông đảo khách thập phương đến dâng hương, tham quan. 5. Nguồn nhân lực Cuối năm 2003, dân số huyện là 130.294 người. Số lao động trong độ tuổi là 69.215 ngườ,i chiếm 53% dân số, trong nông nghiệp chiếm 61,2%. Nhìn chung lao động dư thừa, lao động thiếu việc làm còn nhiều, giải quyết việc làm cho người lao động là vấn đề bức xúc của huyện trong những năm tiếp theo.