PHẠM NGŨ LÃO

(1255 - 1320)

Phạm Ngũ Lão người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi). Ông sinh năm 1255, mất năm 1320. Từ nhỏ ông tỏ ra lanh lợi, có sức khoẻ, giỏi võ nghệ. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tuỳ bút kể chuyện ông ra mắt Trần Hưng Đạo như sau:
          Hôm ấy Hưng Đạo Vương từ Vạn Kiếp lên kinh sư, tiền hô, hậu ủng, qua Đường Hào thấy một chàng trai ngồi bên vệ đường đang đan sọt, quân tiền đạo kéo đến, dẹp lối đi. Ông vẫn ngồi thản nhiên, như không để ý đến ai cả. Quân lính cầm giáo đâm vào đùi ông, ông vẫn không nhúc nhích, kiệu Trần Hưng Đạo tới, thấy vậy Hưng Đạo Vương dừng lại hỏi, bấy giờ ông mới trả lời rằng đang nghĩ một câu trong binh thư nên không để ý. Biết người có tài, Trần Hưng Đạo cho ông ngồi cùng kiệu đưa về kinh sư, từ đó trở thành môn khách của Trần Hưng Đạo. Sau thấy ông là người văn võ chí khí hơn người, Trần Hưng Đạo yêu mến gả con gái nuôi cho, và tiến cử Ngũ Lão với triều đình. Trong hai lần chống quân Nguyên xâm lược (1285, 1288), Ngũ Lão lập nhiều chiến công.
          Dưới triều Trần Nhân Tông, ông cai quản đội quân Hữu vệ thánh dực. Đến triều Anh Tông, năm Hưng Long thứ 2 (1294), ông theo Thượng Hoàng đi đánh Ai Lao ở sông Đào Long được phong Kim phù.
          Năm Hưng Long thứ 6 (1298), ông làm Kim Nghiêm đại tướng quân ở hữu vệ, năm thứ 7 (1299) được phong làm Thân Vệ tướng quân, kiêm cai quản quân Thiên Thuộc ở Long Hưng. Năm thứ 9 (1301) lại đại phá quân Ai Lao ở Mường Mai, thăng Thân Vệ Đại tướng quân, được ban Quy phù. Thời Minh Tông, năm Đại Khánh thứ 5 (1318), quân Chiêm Thành đến xâm lược, ông chỉ huy quân đánh tan giặc, được phong Quan Nội hầu và được ban Phi ngư phù. Năm Đại Khánh thứ 7 (1320) ông mất, thọ 66 tuổi. Vua bãi triều năm ngày để tỏ lòng nhớ tiếc ông.
          Phạm Ngũ Lão là một tướng giỏi, trị quân có kỷ luật, đối đãi với quân lính như cha con, cùng quân lính đồng cam cộng khổ, người đương thời gọi là "Phụ tử chi binh". Cả cuộc đời cầm quân theo Trần Hưng Đạo đánh giặc, khi lên trấn ở vùng rừng núi biên giới, lúc cùng đại quân vượt biển vào Nam, rong ruổi tung hoành, ngọn cờ hiệu của ông đi tới đâu giặc đều kinh sợ. Sự nghiệp của ông rực rỡ, nổi tiếng đời Trần. Trong Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Hổ đã viết về Phạm Ngũ Lão như sau: "Ông làm đến Điện suý thượng tướng quân, khi mất được phong làm phúc thần - Miếu thờ dựng ngay ở chỗ nền nhà cũ. Ông có thơ rằng:
                   Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu
                   Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu
                   Nam nhi vị liễu công danh trái
                   Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
                                         Dịch thơ:
                   Múa giáo non sông trải mấy thu
                   Ba quân hùng dũng nuốt sao Ngưu
                   Công danh nam tử chưa xong trả
                   Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu
          Cái khí khái của ông thuở sống thế nào, nay xem bài thơ này cũng có thể tưởng tượng thấy được...”