Lễ dâng hương tưởng niệm 749 năm ngày Tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc giữ nước

Ngày 20/02/2024 (tức ngày 11 tháng Giêng), tại Di tích lịch sử - văn hóa đền Phù Ủng, xã Phù Ủng (huyện Ân Thi) diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm 749 năm ngày Tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc giữ nước và khai hội đền Phù Ủng.

Dự lễ dâng hương có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Đại biểu huyện có các đồng chí: Phạm Trường Tam, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ; Lưu Trọng Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Dương Tuấn Kiệt, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí trong BTV Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện, nguyên lãnh đạo huyện; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các tỉnh lân cận; Thường trực UBMTTQVN huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã Phù Ủng, lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.

Các đại biểu tại Lễ dâng hương

Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu và đông đảo Nhân dân, du khách thập phương đã ôn lại lịch sử thân thế, sự nghiệp của Tướng quân Phạm Ngũ Lão, thành kính dâng hương tri ân, tưởng nhớ công đức lớn lao của Tướng quân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Đội múa Lân, Rồng tại lễ hội

Điện súy Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão là danh tướng kiệt xuất phò tá 3 triều vua Trần. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi). Từ một người dân thường, ông nuôi chí lớn tham gia chống giặc, đã được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn phát hiện và tiến cử, trở thành một vị tướng lừng danh triều Trần được sử sách lưu truyền, có công lớn trong các cuộc chống giặc ngoại xâm. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận ông là một vị tướng tài, có công với nước, lập công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288), 4 lần đuổi giặc Ai Lao cướp phá Đại Việt, đánh quân Chiêm Thành mở mang bờ cõi…

Đoàn rước Công chúa Tĩnh Huệ ra trình ông và cha

Sau khi mất, ông được nhà vua phong là “Thượng đẳng phúc thần” và được dân làng Phù Ủng lập đền thờ ngay trên nền nhà cũ của gia đình. Hằng năm, Nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ công lao của ông. Chính hội đền Phù Ủng diễn ra từ ngày 11 tháng Giêng đến ngày 13 tháng Giêng…

Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh huyện