Phong trào trồng cây vụ đông ở thôn Bình Lăng, xã Tiền Phong
Nhiều năm qua, phong trào trồng cây vụ đông ở xã Tiền Phong luôn được duy trì và phát triển, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính thứ ba trong năm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phong trào trồng cây vụ đông sôi nổi và tập trung nhất là ở thôn Bình Lăng.
Thôn Bình Lăng, xã Tiền Phong có trên 700 hộ, với trên 2400 nhân khẩu. Trước đây, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do chỉ chuyên canh cây lúa, việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất không cao, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác thấp. Từ thực tế đó, địa phương đã khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất vụ đông, nhằm tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị trên một ha canh tác.
Bí đỏ đạt năng xuất cao, giá cả ổn định
Qua thực tế gieo trồng cho thấy: Cây rau màu cho giá trị cao gấp từ 2-3 lần so với cấy lúa nên người dân hưởng ứng nhiệt tình; mọi người, mọi nhà thi đua thâm canh tăng vụ. Hàng năm, thôn luôn duy trì diện tích cây vụ đông trên 60 mẫu, chủ yếu trồng bí đỏ, bí xanh Nova 209, dưa chuột; cà chua, cải các loại…
Theo chân đồng chí Bí thư chi bộ, trưởng thôn Bình Lăng thăm cánh đồng trồng cây vụ đông của thôn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh bạt ngàn của các ruộng bí điểm màu vàng của hoa bí; những luống rau cải, những giàn dưa chuột mát mắt, bí xanh và giàn cà chua sai trĩu quả… tất cả tạo nên một không gian tràn đầy sức sống của một vùng quê.
Cánh đồng bí xanh tại xã Tiền Phong, huyện Ân Thi
Đồng chí Nguyễn Văn Quỳnh, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Bình Lăng cho biết: “Hàng năm, thôn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình trồng cây vụ đông, trong đó chú trọng đưa các giống cây rau màu có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất. Vụ đông của thôn luôn chiếm từ 30 đến 40% diện tích đất canh tác, với gần 500 hộ tham gia.”
Để bảo đảm sản xuất thắng lợi, ngay từ khi có kế hoạch của huyện, xã; thôn đều tổ chức họp dân, triển khai tới Nhân dân để chủ động bố trí cơ cấu trà lúa vụ mùa hợp lý và gọn vùng để tiện cho việc canh tác; đồng thời, kiểm tra hệ thống mương máng, trục vớt bèo, sen, khơi thông dòng chảy, đảm bảo việc tưới, tiêu thuận lợi.
Đến thời điểm này, các diện tích bí đỏ, bí xanh, dưa chuột, cải các loại đã cho thu hoạch, với giá từ 8 nghìn đồng đến 12 nghìn đồng 1 kg. Theo tính toán của người dân, trừ chi phí mỗi sào rau màu sẽ cho thu lãi từ 3 đến 4 triệu đồng. Một số gia đình có diện tích trồng nhiều từ 3 mẫu đến 5 mẫu như gia đình anh: Trần Văn Cao, Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Văn Tĩnh, Nguyễn Thị Liên…
Vừa chăm sóc những luống bí xanh mướt, với những quả bí thuôn dài, chị Nguyễn Thị Liên chia sẻ với chúng tôi: Nhận thấy loại giống bí xanh Nova 209 dễ trồng, sinh trưởng, phát triển tốt; chống chịu được nhiều loại sâu bệnh và phù hợp với nhiều loại thổ nhưỡng, lại trồng được quanh năm; nên năm 2013 tôi là người đầu tiên ở xã trồng loại bí này. Theo chị Liên: Giống bí Nova 209 quả đẹp, đặc ruột, thuôn dài, đầu ra rất ổn định, năng suất từ 1,2 - 1,5 tấn/ sào, trừ chi phí mỗi vụ cho thu lãi gần 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa.
Phong trào thi đua sản xuất vụ đông của người dân thôn Bình Lăng đã trở thành truyền thống, hầu như nhà nào cũng trồng vài ba sào cho tới hàng mẫu. Vụ đông không những là vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm mà còn là nguồn thu nhập chính của nông dân nơi đây.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo nông dân thu hoạch và tiêu thụ cây vụ đông, thôn khuyến khích bà con tiếp tục trồng và mở rộng diện tích cây ưa lạnh như: Khoai tây, xu hào, bắp cải, xà lách…. khuyến cáo cách chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh; đặc biệt là nhóm sâu ăn lá, đục quả theo nguyên tắc “4 đúng”, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm./.
Đào Nguyện
Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh huyện