Huyện Ân Thi tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách
Ngày 28/7/2022, huyện Ân Thi tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.
Dự hội nghị có lãnh đạo Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; đại biểu huyện có các đồng chí: Lưu Trọng Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Dương Tuấn Kiệt – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Phạm Văn Huế - Phó Chủ tịch UBND huyện; thủ trưởng một số phòng, ngành, đoàn thể huyện; bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND; trưởng các đoàn thể của 21 xã, thị trấn cùng dự.
Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giảm nghèo nhanh, bền vững và thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, ngày 04/10/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Năm 2003, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện và Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện được thành lập. Sau gần 20 năm đi vào hoạt động, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình, góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Khi mới thành lập, Phòng giao dịch tiếp nhận 2 chương trình tín dụng với dư nợ chỉ đạt trên 23,2 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện được 13 chương trình với tổng dư nợ trên 400 tỷ đồng với trên 8.000 khách hàng đang dư nợ, tăng gấp 17,6 lần. Vốn tín dụng đã được đưa đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện thông qua các tổ chức chính trị xã hội với mạng lưới gần 400 tổ tiết kiệm vay vốn ở khắp các thôn, xóm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn có nhu cầu, đủ điều kiện được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội. Tổng doanh số cho vay trong 20 năm đạt trên 1.200 tỷ đồng với 57.779 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ 826 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu nợ trên 41 tỷ đồng, dư nợ bình quân đạt 50,4 triệu đồng 1 khách hàng, tăng 46,5 triệu đồng 1 khách hàng, gấp14,4 lần so với năm 2002.
Thông qua nguồn vốn đã giúp cho trên 23.000 hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho gần 20.000 lao động; giúp cho trên 5.300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 76.700 công trình nước sạch vệ sinh và môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 457 ngôi nhà cho hộ nghèo; giúp 18 hộ gia đình thu nhập thấp được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo nhà; 03 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc; phục hồi sản xuất cho 106 người lao động; giúp 520 học sinh sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay vốn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 04 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được vay vốn để phục hồi và duy trì hoạt động.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội huyện phấn đấu thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ, tỉnh giao và các chương trình tín dụng do địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách; đảm bảo 100% đối tượng chính sách xã hội có nhu cầu và đủ điều kiện có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát huy hiệu quả theo mục tiêu các chương trình tín dụng; nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và bảo toàn nguồn vốn; kết hợp thực hiện các chương trình tín dụng với tập huấn, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%/tổng dư nợ.
Nhân dịp này, nhiều tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện được Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện tặng giấy khen./.
Thu Hà - Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh huyện