24/03/2022 | lượt xem: 4 Nông dân xã Đa Lộc có nhiều giải pháp khắc phục khi giá thức ăn chăn nuôi và phân bón tăng cao Từ năm 2021 đến nay, nhất là từ sau tết Nguyên đán Nhâm Dần đến thời điểm này, giá thức ăn chăn nuôi và phân bón liên tục tăng ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân. Nhằm tiết kiệm chi phí, nhiều hộ đã có những cách làm sáng tạo bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Sau đây là ghi nhận tại xã Đa Lộc. Gia đình ông Nguyễn Văn Dòng, thôn Trạo Thôn, xã Đa Lộc hiện có trên 200 gốc nhãn với các loại có chất lượng cao như: đường phèn, hương chi, siêu ngọt. Trong thời điểm giá phân bón tăng cao khiến cho chi phí đầu tư lớn nên từ hai năm nay, ông đã trăn trở tìm ra các biện pháp nhằm giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn giữ được chất lượng của quả nhãn. Sau quá trình nghiên cứu và áp dụng, hiện ông sử dụng đại trà phân hữu cơ bón cho cây. Phân hữu cơ là các loại cá giá rẻ được ngâm ủ trong các bể chứa, sau khi đủ thời gian các loại giá thể hoai mục được pha theo tỷ lệ nhất định tưới cho nhãn, cách làm này vừa giảm chi phí vừa nâng cao chất lượng quả nhãn; cây khỏe, ít sâu bệnh, chất lượng quả thơm ngon nên 2 năm nay thương lái đến đặt hàng từ đầu vụ với giá bán cao. Với 1,5 mẫu ao nuôi cá, nếu như trước đây gia đình anh Nguyễn Ngọc Toản, thôn Đa Lộc nuôi cá bằng 100% cám công nghiệp, mỗi tháng phải mua khoảng 1 tấn cám, thì nay anh Toản đã chuyển sang phương thức bán công nghiệp. Tận dụng diện tích đất trống, anh trồng cỏ voi, sử dụng thêm bèo tây, bèo hoa dâu để làm thức ăn cho cá. Anh Toản cho biết: Sau khi thực hiện hình thức chăn nuôi bán công nghiệp này, số lượng cám hàng tháng giảm từ 25-30%. Tuy thời gian nuôi cá lâu hơn từ 1,5 - 2 tháng nhưng bù lại giá bán cao hơn, đầu ra ổn định nên hiệu quả kinh tế thu lại cao hơn so với hình thức nuôi công nghiệp. Đây là cũng là biện pháp mà hộ chị Ngô Thị Mải cùng thôn Đa Lộc đang áp dụng hai năm nay. Gia đình chị Mải hiện đang nuôi 50 con lợn và trồng trên 60 gốc nhãn. Do giá thức ăn và phân bón tăng cao nên từ đầu năm 2021, chị đã chuyển sang nuôi lợn bán công nghiệp, chị kết hợp thêm các phụ phẩm từ nông nghiệp như: cám gạo, rau khoai, bèo, ngô làm thức ăn cho lợn từ đó giảm được trên 30% số lượng cám. Với cây nhãn, tận dụng nguồn phân lợn ủ trong các bể bioga sau đó tưới cho cây, giảm 70% lượng phân bón, cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí mà chất lượng các sản phẩm còn tăng lên, giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại lại được người tiêu dùng rất ủng hộ nên đầu ra cho sản phẩm khá ổn định. Vì vậy, chị dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện nuôi lợn và trồng nhãn theo hình thức này để tạo thương hiệu cho các sản phẩm của gia đình. Trong tình hình giá cám và phân bón tăng cao như hiện nay thì giải pháp mà các hộ chăn nuôi, trồng trọt tại xã Đa Lộc đang áp dụng cũng là hướng đi phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn đồng thời cũng mở ra hướng đi mới nhằm tạo ra giá trị, nâng cao sự cạnh tranh và đem lại hiệu quả kinh tế cho các mặt hàng nông sản./. Thu Hà - Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh huyện
Đồng chí Phạm Trường Tam, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ kiểm tra sản xuất của hợp tác xã vải trứng Hưng Yên tại xã Đa Lộc
Đồng chí Nguyễn Hùng Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện kiểm tra vùng trồng nhãn, vải tập trung tại các xã: Đa Lộc, Hạ Lễ và Tiền Phong
Đồng chí Nguyễn Hùng Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện kiểm tra tiến độ gieo cấy lúa Xuân 2024