Nhân ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật và trẻ mồ côi 18.4: Tạo việc làm - cơ hội cho người tàn tập hòa nhập với cộng đồng

Sức khỏe giảm sút, việc đi lại và giao tiếp gặp nhiều khó khăn nên cuộc sống của nhiều người tàn tật luôn phụ thuộc vào gia đình người thân, do vậy phần lớn người tàn tật thường mặc cảm trong cuộc sống. Việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho người tàn tật còn khả năng lao động là một việc làm vừa mang tính xã hội vừa có tính nhân văn sâu sắc, vì vậy đòi hỏi cần sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền và cả cộng đồng.

 Chỉ với một bàn tay nhưng những thao tác nhanh nhẹn, khéo léo của anh Cường (ở phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên) khi tháo rời vỏ của “bộ cây” trong dàn máy vi tính mà một khách hàng vừa mang tới công ty nhờ sửa đã làm chúng tôi và những khách hàng có mặt tại đấy rất ngạc nhiên. Được biết, anh Cường bị teo cơ bẩm sinh vì vậy mà một cánh tay của anh không thể hoạt động được. Biết được sức khỏe và khiếm khuyết của bản thân vì vậy sau khi tốt nghiệp phổ thông, cùng với sự định hướng của gia đình, anh Cường đã theo học lớp tin học, sau khi hoàn thành khóa học, anh may mắn được công ty Vĩnh Thịnh (chuyên cung cấp và sửa chữa máy tính đóng trên đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Hưng Yên) nhận về làm việc với mức lương hiện tại là trên 3 triệu đồng/tháng. Nhờ chịu khó học hỏi và đúc rút kinh nghiệm nên tay nghề càng được nâng cao. Giờ đây chủ công ty và khách hàng rất yên tâm khi giao máy cho anh Cường sửa chữa.

Cũng như anh Cường, anh Vương Ngọc Quý, 27 tuổi ở Thọ Vinh (Ân Thi) đã bị chứng bại liệt làm cho đôi chân bị teo lại ngay từ khi còn nhỏ, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn vì vậy hàng ngày anh chỉ quanh quẩn ở nhà, không biết làm gì để nuôi sống bản thân nên lúc nào cũng cảm thấy mình như người mắc nợ gia đình. Tuy nhiên, đầu năm 2010, Công ty TNHH cộng đồng 18.4 đã mở lớp dạy nghề làm giày da, ví da, thắt lưng da, anh Quý đã đến xin được học nghề, sau khi học thành nghề, anh được công ty tiếp nhận vào làm việc với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. “Giờ đây tôi rất vui vì hàng ngày được tiếp xúc với mọi người và cảm thấy mình là người còn có ích cho gia đình, cho xã hội…” – anh Quý tâm sự.

Trong cuộc sống hiện nay nhiều người tàn tật như anh Cường, anh Quý đã nỗ lực học tập, phấn đấu vượt qua tật nguyền để làm những việc hữu ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như anh Cường và anh Quý bởi rất nhiều cơ sở đào tạo nghề không nhận dạy nghề cho những người bị khuyết tật,  nhiều doanh nghiệp cũng từ chối nhận lao động khi biết họ là những người khuyết tật.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 20 nghìn người tàn tật, trong số đó có tới gần một nửa người bị tàn tật vẫn có khả năng lao động. Tuy nhiên số người bị tàn tật được  học nghề và tạo việc làm là không nhiều. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 Trường phục hồi chức năng Khoái Châu và Tiên Lữ, ngoài chức năng dạy văn hóa và dạy nghề cho trẻ em, hàng năm 2 đơn vị này còn thường xuyên dạy nghề cho hàng chục người bị khuyết tật. Nhiều người trong số họ đã tìm được việc làm để nuôi sống bản thân bằng những nghề đã được đào tạo. Cùng với hai đơn vị trên, hàng năm Hội người mù tỉnh khai thác từ nguồn ngân sách của chương trình mục tiêu quốc gia đã dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt miễn phí cho hàng chục người mù mỗi năm. Nhiều người trong số đó đã về làm việc tại các trung tâm xoa bóp bấm huyệt của hội người mù các huyện, thành phố, còn một số ít về mở phòng riêng tại gia đình. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ nên việc xoa bóp bấm huyệt mà những người bị khiếm thị đang làm cũng đã cho thu nhập ổn định. Qua đó đã giúp cho nhiều người bị khiếm thị vơi bớt khó khăn khăn, tạo dựng được cuộc sống riêng và nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng.

Tuy nhiên thực tế số người bị tàn tật còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Theo cuộc khảo sát điều tra mới đây của Hội chữ thập đỏ tỉnh tại 42 doanh nghiệp trên địa bàn 3 đơn vị là huyện Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên đã cho thấy: tổng số lao động đang làm việc tại 42 doanh nghiệp là 7750 lao động nhưng số lao động bị khuyết tật được nhận vào làm việc chỉ có 25 người. Khi được hỏi về khả năng tiếp nhận người bị khuyết tật vào làm việc trong thời gian tới thì có 23 doanh nghiệp trả lời là có thể tuyển khoảng trên 300 lao động bị khuyết tật vào làm việc; có 19/42 doanh nghiệp trả lời sẵn sàng đào tạo nghề cho người khuyết tật. Còn đối với công tác dạy nghề, qua phỏng vấn ở 6 đơn vị dạy nghề và tham gia dạy nghề thì có 5 đơn vị sẵn sàng đào tạo nghề cho người khuyết tật, tuy nhiên chỉ có 2 đơn vị là Trường phục hồi chức năng Khoái Châu đã đào tạo nghề được 150 người khuyết tật/2.500 học viên được đào tạo nghề tại đây và trung tâm dạy nghề Kim Động đã đào tạo nghề được 50 người khuyết tật/850 người. Các ngành nghề mà người khuyết tật đã được đào tạo chủ yếu là nghề may, thêu ren, mây tre đan, tin học…; 3 trung tâm còn lại trên địa bàn thành phố Hưng Yên tuy đều sẵn sàng nhận đào tạo nghề cho người khuyết tật nhưng thực tế thì chưa đào tạo được người nào. Riêng tại Trung tâm kỹ thuật tổng hợp huyện Khoái Châu trả lời rằng chưa sẵn sàng đào tạo nghề cho người khuyết tật vì cho rằng chưa có cơ sở vật chất đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Cũng theo số liệu điều tra tại 3 địa bàn Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên có tổng số 7.808 người bị khuyết tật trong đó, số khuyết tật về vận động là trên 2.100 người, gần 2.700 người bị thiểu năng trí tuệ và thần kinh; trên 2.100 người khuyết tật về thị giác, thính giác và ngôn ngữ; ngoài ra còn gần 1000 người bị một số khuyết tật khác. Được biết, khoảng 50% trong số người bị tàn tật trên còn và có khả năng lao động, tuy nhiên phần lớn số đó lại chưa được đào tạo nghề và định hướng việc làm. Điều này là rào cản lớn để người tàn tật có thể tự lao động kiếm sống nuôi bản thân và góp ích cho xã hội. Kết quả tại một số buổi thảo luận nhóm cho thấy: Đa phần những người bị tàn tật (còn khả năng lao động) mong muốn được học nghề sửa chữa xe máy, sửa chữa điện dân dụng, học may, thêu, mây tre đan, học làm hương…

Mong được học nghề để tìm kiếm được việc làm phù hợp với bản thân là nỗi khát khao của không chỉ người khuyết tật mà còn của cả gia đình và toàn xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua tỉnh ta đã quan tâm tới người bị tàn tật, dành nhiều chính sách ưu đãi  cho người bị tàn tật nói chung và những người bị khuyết tật nói riêng như phẫu thuật, phục hồi chức năng, hỗ trợ xe lăn, cấp dụng cụ chỉnh hình, cấp bảo trợ hàng tháng, có cơ chế dạy nghề miễn phí cho người bị khuyết tật… Tuy nhiên những người tàn tật nói chung và những người khuyết tật còn khả năng lao động riêng rất mong có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề tạo việc làm, cho vay vốn để phát triển sản xuất để họ có thể tạo dựng được cuộc sống riêng. Được biết, hiện với sự tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha, Hội chữ thập đỏ Hưng Yên đang triển khai dự án Hỗ trợ hòa nhập kinh tế – xã hội và việc làm cho người khuyết tật. Với những chương trình tư vấn, thảo luận, lựa chọn đối tượng để dạy nghề và hỗ trợ vốn giúp cho người khuyết tật còn khả năng lao động có việc làm. Hy vọng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, những hoạt động của dự án sẽ tạo cơ hội cho người bị khuyết tật vươn lên, khẳng định mình và bình đẳng với những người bình thường khác.

baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
24 người đang online