23/11/2010 | lượt xem: 5 Một số di tích lịch sử văn hóa huyện Ân Thi Di tích lịch sử văn hoá đền Mão Đông, xã Hồ Tùng Mậu Di tích lịch sử văn hoá đền Gạo Bắc, xã Hồ Tùng Mậu Di tích lịch sử văn hoá đền - đình Mão Cầu - xã Hồ Tùng Mậu (Cả 3 di tích trên Lễ hội chính đều vào ngày 10/3 âm lịch): Đền Mão Đông, Đền Gạo Bắc, Đền - Đình Mão Cầu - xã Hồ Tùng Mậu đựơc Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hoá năm 1994, Ba di tích trên đều được xây dựng vào đời vua Trần Hiển Tông, qua các triều đại cả 3 di tích đều được tu sửa. Đền Mão Cầu thờ Trần Khắc Chung một viên quan thời Trần có nhiều công lao trong việc giữ nước, còn đình Mão Cầu thờ Huyền Trân công chúa - người con gái nhà Trần đã được lịch sử ghi nhận là người nhận trách nhiệm lớn lao để giữ mối hoà hiếu giữa 2 dân tộc Việt - Chiêm tránh được nạn đao binh cho đất nước, cùng thờ còn có hai em của bà là Thiệu Linh và Kiều Cao, ba bà công chúa thời Trần được tôn là thành hoàng của làng Mão Cầu. Trần Khắc Chung và 3 bà công chúa là người đã đem lại ruộng đất cho dân làng mà thần tích của thôn Mão Cầu đã ghi rõ. Đền Mão Đông và đền Gạo Bắc cũng thờ 3 bà công chúa giống như đình Mão Cầu, riêng đền Mão Đông còn thờ cả Nguyễn Sĩ Cố một viên quan thời Trần có nhiều công lao đối với địa phương. Di tích lịch sử văn hoá nhà thờ họ Đỗ - xã Quang Vinh: Di tích lịch sử văn hoá nhà thờ họ Đỗ được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia năm 1995. Dưới triều đại phong kiến nơi đây có nhiều người đỗ đạt cao (tiến sĩ triều Lê). Từ ngôi nhà này thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945 nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng đã về đây hoạt động chỉ đạo cách mạng (các dồng chí trong xứ uỷ Bắc Kỳ và tỉnh Uỷ Hưng yên như đồng chí Lê Liêm, Lê Duy ...) Di tích lịch sử văn hoá đình Đanh: (Lễ hội chính vào ngày 6/1 âm lịch): Di tích lịch sử văn hoá đình Đanh - xá Hồng Vân được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia năm 1994. Đình Đanh (còn có tên gọi là đình Đan Tràng) được xây dựng từ thế kỷ thứ 15, thờ danh tướng thờ Hùng Vương có công đánh giặc Phương Bắc, giành độc lập đó là Lôi Công và Bảo Công Đình đanh được xây dựng theo hướng Tây Nam, xây dựng theo kiểu chữ Đinh, đại bái gồm 5 gian, hậu cung 5 gian, kiến trúc con chồng đấu kê mang sắc thái đạm nét dân tộc. Đền Nhân Vũ: (Lễ hội chính vào ngày 10/3 âm lịch): Di tích lịch sử văn hoá đền Nhân Vũ - xã Nguyễn Trãi được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia năm 1992. Đền Nhân Vũ được xây dựng trước công nguyên năm 43, thờ bà chúa Ngọc Chi và hai con trai, anh là Hoàng Văn Miêng, em là Hoàng Văn Lang, cả hai người con đều có công cùng bà Trưng chống quân xâm lược Tô Định, bà và hai người con được phong là tướng tài và được ban lộc, sau lần thất bại của hai bà Trưng cả hai người con của bà đều hy sinh. Đình Đanh Xá: (Lễ hội chính vào ngày 10/3 âm lịch): Di tích lịch sử văn hoá đình Đanh Xá - xã Hoàng Hoa Thám được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia năm 1998. Đình Đanh Xá được xây dựng vào thời Nguyễn đầu thế kỷ 20, Đình thờ Ngũ vị Đại vương có công dẹp giặc, giúp nước (thời Hùng Vương) cùng dân làng mở mang điền trại, sau khi mất được dân làng tôn làm thành hoàng làng.