Kế hoạch thực hiện Chương trình Phòng, chống tệ nạn mại dâm năm 2018

Thực hiện Quyết định số 361/QĐ-TTG ngày 07/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 550/KH-BCĐ ngày 06/3/2018 của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, TNXH và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Hưng Yên về việc thực hiện Chương trình Phòng, chống mại dâm năm 2018. Ủy ban nhân dân huyện Ân Thi xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phòng, chống tệ nạn mại dâm năm 2018, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU                     

1. Mục đích

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của người bán dâm; giảm tội phạm liên quan đến mại dâm.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, quản lý địa bàn, đấu tranh xử lý vi phạm và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan, không để phát sinh tụ điểm mới trên địa bàn huyện.

- Thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý, tệ nạn mại dâm với các chương trình, dự án và chính sách an sinh xã hội; tạo nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp cho các đối tượng mại dâm hoàn lương ổn định cuộc sống.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Mục tiêu

- 85 % số các xã, thị trấn (gọi chung là cấp xã) tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên.

- Thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên đài truyền thanh huyện ít nhất một quí một lần.

- Tổ chức lồng ghép và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các Chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như: Chương trình giảm nghèo, dạy nghề, việc làm cho lao động nông thôn, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người.

- Triển khai thực hiện được các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trong phòng, chống mại dâm.

- Từng bước xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm.

- Phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.

2. Nhiệm vụ chủ yếu

2.1. Công tác tham mưu chỉ đạo

- Thành lập, kiện toàn Tổ công tác liên ngành về phòng, chống mại dâm ở các cấp (huyện, xã) theo các văn bản: Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; Quyết định số 155/2007/QĐ-TTg ngày 25/9/2007của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm; Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

- Tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tệ nạn mại dâm; phòng, chống mua bán người tới các tầng lớp nhân dân.

- Định kỳ kiểm tra, giám sát, giao ban, sơ kết, tổng kết, báo cáo, khen thưởng, kỷ luật về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm theo quy định.

2.2. Công tác thông tin, truyền thông

Tăng cường công tác truyền thông, phòng ngừa thông qua các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng: Xây dựng bộ công cụ truyền thông, tài liệu tập huấn cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên về phòng, chống mại dâm; hành vi tình dục lành mạnh, an toàn. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tại cộng đồng thông qua các buổi thảo luận nhóm, tư vấn hỗ trợ cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp.

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông phòng ngừa, phòng, chống mại dâm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

2.4.  Đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm

- Tiến hành điều tra cơ bản, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm liên quan đến mại dâm.

- Tổ chức thu thập, tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến mại dâm. Phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, khám phá các vụ án, triệt phá các tổ chức tội phạm liên quan đến mại dâm, giải cứu nạn nhân. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến mại dâm từ cấp cơ sở.

- Thực hiện hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát tin báo tố giác, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án liên quan đến mại dâm.

- Kiên quyết đưa ra xét xử nghiêm minh tội phạm liên quan đến mại dâm, có biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến mua bán người vì mục đích mại dâm, nhất là đối với nạn nhân là trẻ em.

2.5. Xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trong phòng, chống mại dâm

Phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới: Tập huấn nâng cao năng lực về hỗ trợ giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho cán bộ trực tiếp tham gia làm công tác phòng, chống mại dâm các cấp và cán bộ trực tiếp tham gia công tác cung cấp, hỗ trợ dịch vụ cho người bán dâm. Đào tạo, nâng cao năng lực cho Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã trong việc tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ người mại dâm tại cộng đồng. Triển khai một số mô hình thí điếm có hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ giảm hại, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

         2.6. Kiện toàn, nâng cao năng lực Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã

Rà soát, kiện toàn lại các Đội hoạt động xã hội tình nguyện tại các xã, thị trấn trong phạm vi toàn huyện theo Thông tư số 24/2012/TTLB- LĐTBXH-BNV-BTC ngày 22/10/2012 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ - Bộ Tài Chính. Tổ chức các lớp tập huấn cho các Đội hoạt động xã hội tình nguyện với nội dung chủ yếu nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm; nâng cao năng lực tư vấn, thuyết phục cho các tình nguyện viên; đảm bảo đúng chế độ cho Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã và các tình nguyện viên theo đúng quy định của pháp luật.

          2.7. Xây dựng xã, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm

Duy trì và xây dựng mới số xã, thị trấn không có tệ nạn mại dâm. Thực hiện việc phân loại, chấm điểm đánh giá xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội theo các tiêu chí quy định của Nghị quyết liên tịch số 0l/2008/NQLT-BLĐTBXH-BCA-BVHTTDL-UBTƯMTTQVN ngày 28/8/2008 về việc ban hành “các tiêu chí phân loại, chấm điểm đánh giá và biểu thống kê, báo cáo về công tác xây dựng xã, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm”.

         2.8. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở

Tổ chức rà soát, đánh giá về nhóm người có nguy cơ cao (thanh niên chưa có nghề nghiệp, chưa có việc làm....) và hướng họ tiếp cận với các Chương trình an sinh xã hội, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Xây dựng các Kế hoạch lồng ghép việc thực hiện các Chương trình an sinh xã hội tại địa phương với nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

          III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Thứ nhất: Tăng cường sự chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện đối với các phòng, ngành, UBND các xã, thị trấn trong việc triển khai công tác phòng, chống mại dâm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Thứ hai: Các cấp ủy Đảng phải đưa Chương trình phòng, chống mại dâm vào văn kiện, Nghị quyết và chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiếm tra thực hiện; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống mại dâm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả phòng, chống mại dâm ở địa phương, đơn vị.

Thứ ba: Huy động sự tham gia của các cơ quan truyền thông trong việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục về hành vi tình dục an toàn, lối sống lành mạnh cho các nhóm dân cư. Phối hợp hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tình dục an toàn, hạn chế nguy cơ bị mua bán, bị ép buộc làm mại dâm của người lao động khi di cư, tìm kiếm việc làm.

Thứ tư: Kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm cấp huyện để tham mưu, xây dựng các hoạt động phối hợp liên ngành trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Thứ năm: Tập trung kinh phí của Nhà nước được phân bổ để thực hiện các hoạt động trọng điểm, ưu tiên; khuyến khích sự tham gia, đóng góp nguồn lực của các doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm, đặc biệt là công tác dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Phòng Lao động Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các phòng, ngành, đoàn thể có liên quan; UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm năm 2018. Tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả hoạt động công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, định kỳ 06 tháng, 1 năm báo cáo ủy ban nhân dân huyện theo quy định.

- Căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế, các Phòng, ngành, đoàn thể có liên quan; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Định kỳ 06 tháng và 01 năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo về cơ quan Thường trực BCĐ huyện (Phòng Lao động -TB&XH huyện) về phòng, chống tệ nạn mại dâm đế tống hợp, báo cáo theo quy định./

Văn phòng HĐND-UBND

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
137 người đang online