Kế hoạch Giáo dục nghề nghiệp huyện Ân Thi năm 2018

Căn cứ Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 29/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về Kế hoạch Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2017 – 2020;

Căn cứ Công văn số 513/SLĐTBXH-DN ngày 01/3/018 của Sở Lao động TB&XH tỉnh Hưng Yên về việc xây dựng kế hoạch Giáo dục nghề nghiệp năm 2018;

Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch Giáo dục nghề nghiệp huyện Ân Thi năm 2018 như sau:

  1.  ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH DẠY NGHỀ NĂM 2017

Cùng với những chuyển biến trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Công tác giáo dục nghề nghiệp bước đầu được xã hội hóa và gắn kết nhu cầu các bên (Người học, nhà trường, doanh nghiệp). Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương để tổ chức đào tạo nghề, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục nghề nghiệp của huyện.

Năm 2017, toàn huyện đào tạo nghề cho hơn 3.000 người. Trong đó, có trên 90% số người được đào tạo nghề là lao động thuộc khu vực nông thôn. Phi nông nghiệp là: 170 người; Nông nghiệp: 290 người; Thương mại, dịch vụ, truyền thống: 50 người. Kết quả đào tạo nghề chia theo các cấp trình độ cụ thể: Cao đẳng nghề: 0; Trung cấp nghề: 0; Sơ cấp ngắn hạn: 510 người. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Đề án 1956 là 1.500 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đối với trình độ sơ cấp và ngắn hạn đạt trên 80%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề còn có một số hạn chế, yếu kém như: Chỉ tiêu đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn ở mức thấp; công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm chưa thực sự theo sát với nhu cầu thực tế của xã hội, của doanh nghiệp và người dân, nhất là việc cung ứng lao động có tay nghề; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo tại một số đơn vị chưa thực sự theo kịp sự phát triển của khoa học, kỹ thuật; việc đào tạo ngoại ngữ, các kỹ năng mềm cho lao động còn hạn chế; việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở chưa thực sự phù hợp, cản trở việc phân bổ nguồn lao động, khó tuyển sinh đào tạo nghề; kết quả công tác tuyên truyền, tư vấn về học nghề, giới thiệu việc làm còn hạn chế; hoạt động xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp hiệu quả chưa cao, nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, có nguy cơ đóng cửa, giải thể.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là: một số chính sách về giáo dục nghề nghiệp chủ yếu chỉ giải quyết các vấn đề tạm thời, chưa có chính sách mang tính đột phá, dài hạn; còn tâm lý thụ động, trông chờ học viên của một số cơ sở đào tạo công lập, lộ trình đổi mới cơ chế tự chủ còn chậm; sự phối hợp giữa các phòng, ngành của huyện và UBND các xã, thị trấn trong quá trình triển khai hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa thường xuyên, chặt chẽ; ngân sách địa phương bố trí còn hạn chế; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

II. MỤC TIÊU

Phấn đấu năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50% và trên 90% lao động qua đào tạo nghề có việc làm.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1.Công tác tuyển sinh

-Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh.

-Gắn kết giữa tuyển sinh và giới thiệu việc làm sau đào tạo nghề để người học nghề chủ động và biết được công việc sau học nghề; gắn kết giữa nhà trường và cơ sở sản xuất ngay từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả công tác giới thiệu việc làm.

-Tuyển sinh theo khả năng, năng lực đào tạo của đơn vị giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề.

2.Đào tạo theo cấp trình độ

-Chú trọng đào tạo lao động kỹ thuật cao phù hợp với nhu cầu thị trường và xu thế hội nhập khu vực, quốc tế:

+ Đào tạo trình độ cao đẳng cho khoảng 200 người, tập trung các ngành chủ yếu là cơ khí, chế tạo, …

+ Đào tạo trình độ trung cấp cho khoảng 300 người, tập trung các ngành chủ yếu là điện, điện tử, kỹ thuật,…

+ Đào tạo trình độ sơ cấp và ngắn hạn, kèm cặp, chuyển giao công nghệ cho khoảng 200 người, tập trung các nghề thuộc ngành nông nghiệp truyền thống, thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật công nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động…

-Ưu tiên đào tạo lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp tại các khu vực phát triển công nghiệp, có nhiều cụm, khu công nghiệp như cụm công nghiệp Vân Du – Quang Vinh…; lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực các xã Hồng Vân, Hạ Lễ, Đào Dương…để chuyển đổi cơ cấu cây trồng; ngành nghề truyền thống, dịch vụ tại khu vực Phù Ủng, Hồng Quang,…

-Hỗ trợ, khuyến khích người lao động tự bồi dưỡng kỹ năng nghề để nâng cao tay nghề tại các doanh nghiệp và tự học nghề tại các làng nghề, trang trại, hợp tác xã…

3.Nâng cao năng lực cơ sở giáo dục nghề nghiệp

-Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm bớt đầu mối; sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Tăng cường tính tự chủ và áp dụng cơ chế cạnh tranh về chất lượng

-Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề của doanh nghiệp và thị trường lao động.

4.Công tác tuyên truyền

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng (Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn)

- Tổ chức các buổi tọa đàm về học nghề và việc làm tạo các cơ sở đào tạo hoặc doanh nghiệp.

5. Công tác học sinh, sinh viên

Chú trọng giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong công tác quản lý và đào tạo,…

6.Công tác kiểm tra, giám sát

-Hàng năm, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đào tạo nghề của huyện.

-Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc thực hiện các quy định, quy phạm về giáo dục nghề nghiệp.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

-Nguồn kinh phí thuộc các chương trình, dự án đào tạo nghề.

-Ngân sách địa phương.

-Các nguồn huy động, xã hội hóa khác.

  1. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.Phòng Lao động TB&XH huyện

-Chủ trì tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện triển khai Kế hoạch trên địa bàn huyện; ban hành kế hoạch hàng năm và chỉ đạo, điều hành các hoạt động cụ thể liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp.

-Kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực hiện kế hoạch hàng năm.

-Tổng kết, sơ kết, đánh giá công tác giáo dục nghề nghiệp và tổng hợp báo cáo Sở Lao động TB&XH, Ủy ban nhân dân huyện theo quy định hàng năm, giữa kỳ và cả giai đoạn.

2.Phòng Nội vụ huyện

Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo.

 

3.Phòng Tài chính Kế hoạch huyện

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch, bố trí nguồn lực để thực hiện các nội dung hoạt động của Kế hoạch.

4.Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện

-  Phối hợp với Phòng Lao động TB&XH tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện phân bổ kinh phí đào tạo nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

-  Chủ trì, phối hợp trong việc xác định ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp nông thôn.

5. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn

-   Hàng năm, tiến hành khảo sát, điều tra xác định nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, làm co sở để triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn hiệu quả.

-   Thực hiện quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, định kỳ báo cáo Phòng Lao động TB&XH để tổng hợp báo cáo theo quy định.

6. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

-   Chủ động trong công tác tuyển sinh và thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

-    Chủ động liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo và tổ chức tiếp nhận lao động sau đào tạo.

-    Thực hiện chế độ báo cáo kết quả đào tạo với các cơ quan chức năng theo quy định./.

Trên đây là Kế hoạch giáo dục nghề nghiệp huyện Ân Thi năm 2018, yêu cầu các phòng, ngành, UBND các xã, thị trấn nghiêm túc thực hiện./.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
38 người đang online