22/11/2017 | lượt xem: 3 Hưng Yên chấn chỉnh việc thu góp ở các nhà trường Thời gian qua, việc thu góp ở các nhà trường được phụ huynh học sinh, dư luận đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo Hưng Yên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Khải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo để làm rõ hơn quy định các khoản thu, cũng như công tác chỉ đạo, chấn chỉnh việc thu góp ở các nhà trường. Ảnh minh họa Phóng viên: Hiện nay các khoản thu dường như chưa được các trường phân biệt một cách rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau trong phụ huynh học sinh. Đề nghị ông cho biết rõ hơn về vấn đề này? Ông Đỗ Văn Khải: Trong nhà trường hiện nay đang tồn tại 2 dạng thức các khoản thu. Một là thu theo quy định của các ngành, các cấp; hai là nguồn thu tài trợ (tự nguyện). Các khoản thu theo quy định trên địa bàn tỉnh hiện nay là các khoản thu theo Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 11.8.2016 của UBND tỉnh (Quyết định 15) gồm: Học phí, lệ phí; tiền học thêm; các khoản thu dịch vụ không kinh doanh gồm: Tiền trông xe đạp cho học sinh, tiền điện thắp sáng và điện chạy quạt lớp học, tiền nước uống của học sinh, tiền thuê dọn vệ sinh (mầm non và tiểu học); tiền nội trú ký túc xá; tiền bảo hiểm y tế, quỹ đoàn, quỹ đội, chữ thập đỏ; tiền tổ chức ăn bán trú, chăm sóc bán trú, đồ dùng cá nhân của học sinh bán trú có mức thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, được UBND cấp xã nơi nhà trường đóng và phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt (đối với các trường do phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố quản lý). Quyết định 15 cũng quy định tiền may đồng phục cho học sinh: Phụ huynh học sinh, hoặc ban đại diện phụ huynh học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục, hoặc phối hợp với nhà trường thực hiện triển khai. Đối với quỹ hội cha mẹ học sinh, thực hiện theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh trường có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (gồm bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy - học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường). Đối với nguồn thu tài trợ (các trường gọi là xã hội hóa) được thực hiện theo Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10.9.2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư 29). Trong đó quy định việc tiếp nhận tài trợ, cụ thể: Tiếp nhận tài trợ bằng tiền mặt: Các cơ sở giáo dục được tiếp nhận các khoản tài trợ bằng tiền mặt hoặc thông qua tài khoản của mình tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại; giá trị khoản tài trợ phải được theo dõi và ghi chép trong sổ sách kế toán của cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành. Tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật: Cơ sở giáo dục tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, cụ thể: Sách, vở, quần áo, lương thực, thực phẩm, vật liệu, thiết bị, đồ dùng dạy học và các hiện vật khác có giá trị sử dụng và đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người học và cơ sở giáo dục; giá trị của hiện vật được tài trợ phải được theo dõi và ghi chép trong sổ kế toán của cơ sở giáo dục theo quy định. Trong trường hợp nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới, mua sắm mới tài sản cho cơ sở giáo dục hoặc tổ chức các hoạt động hỗ trợ dạy - học, các hoạt động ngoại khoá thì cơ sở giáo dục có trách nhiệm như: Hướng dẫn và giúp nhà tài trợ sử dụng khoản tài trợ đáp ứng đúng nhu cầu và phù hợp với kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục; phối hợp với nhà tài trợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật, quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện; nghiệm thu, tiếp nhận sản phẩm, công trình do nhà tài trợ tự thực hiện theo đúng quy định. Phóng viên: Đối chiếu với các quy định nêu trên, đề nghị ông cho biết tình hình thu góp ở các trường trên địa bàn tỉnh hiện nay? Ông Đỗ Văn Khải: Ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập các đoàn đi thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các khoản thu góp trong các trường học. Nhìn chung, năm học này các trường thực hiện thu các khoản thu đúng theo quy định và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên vẫn còn một số trường thu quỹ phụ huynh lớp, quỹ phụ huynh trường, thu các nguồn tài trợ từ phụ huynh (các trường thường gọi là xã hội hóa) theo kiểu cào bằng; khoản thu tài trợ được chia nhỏ thành nhiều khoản. Cách làm chưa thể hiện được sự công khai, minh bạch, tự nguyện theo quy định nên gây bức xúc cho phụ huynh học sinh. Sở giáo dục và Đào tạo đã họp chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các trường THPT thực hiện các khoản thu, mức thu đúng theo quy định; yêu cầu phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố họp chỉ đạo các trường trực thuộc thực hiện việc thu góp đầu năm; Sở Giáo dục và Đào tạo đã 3 lần ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, nhắc nhở các nhà trường về vấn đề này; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các trường; thường xuyên tiếp nhận phản ánh từ phụ huynh học sinh để kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Đối với các trường Sở Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra, kiểm tra phát hiện những khoản thu không đúng, sở yêu cầu dừng thu nếu chưa thu; hoàn trả lại phụ huynh học sinh nếu thu rồi; các khoản thu tài trợ thì phải thực hiện đúng Thông tư 29, theo đó phụ huynh nào tự nguyện thì hỗ trợ, không cào bằng, không ép bất kỳ phụ huynh nào đóng góp dưới mọi hình thức. Khoản dịch vụ như bảo hiểm thân thể phải được sự đồng ý của phụ huynh học sinh. Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh việc thu góp ở các nhà trường đúng quy định. Phóng viên: Xin cảm ơn ông! Báo Hưng Yên
Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I - Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn