01/08/2023 | lượt xem: 3 Hiệu quả từ chương trình chuyển đổi số ở Hưng Yên Tỉnh Hưng Yên đã và đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh gắn với cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Dấu ấn chuyển đổi số Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu khách quan, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã - hội, ngày 15/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên Bùi Xuân Sỹ cho biết, sau 2 năm thực hiện Đề án chuyển đổi số, công tác xây dựng thể chế về chuyển đổi số được thực hiện kịp thời, tương đối đầy đủ. Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được triển khai đồng bộ với nhiều hình thức đa dạng; ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã làm thay đổi diện mạo nền hành chính, thay đổi tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, kinh tế số ngày càng có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh; công nghệ số ngày càng phổ biến, rõ nét và giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc và học tập. Nhiều chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong Đề án chuyển đổi số đã hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu đề ra. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng; mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị cả 3 cấp từ tỉnh, huyện, xã với 200 điểm kết nối. Tỉnh đã xây dựng sàn thương mại điện tử (http://ecomhungyen.vn). Hiện toàn tỉnh có trên 10 nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử với trên 180 nghìn sản phẩm và gần 11 triệu giao dịch/năm. Về thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt Đề án 06), tính đến tháng 4/2023, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng kho quản lý dữ liệu điện tử. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hưng Yên công khai 1.827 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; cung cấp 560 dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến một phần, 1.052 dịch vụ công đủ điều kiện trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính toàn tỉnh đạt trên 90%. Tỉnh đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06. Theo đánh giá của Bộ TT&TT, năm 2022, kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Hưng Yên tăng 2 bậc so với năm 2021, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố. Ảnh: Quảng trường Thành phố Hưng Yên Hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Văn, chuyển đổi số tại Hưng Yên đã thể hiện rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo ra những thay đổi đột phá trong hoạt động của chính quyền, đồng thời là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, khẳng định hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững. “Tỉnh Hưng Yên đã khai trương Trung tâm Điều hành thông minh. Đây là nơi thu thập, tổng hợp thông tin của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, giúp lãnh đạo chỉ đạo, điều hành hoạt động của địa phương. Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Trung tâm Điều hành thông minh hướng tới đến hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý đồng thời, công khai giám sát một cách minh bạch về thời gian, kết quả xử lý. Qua đó, người dân tham gia tương tác với hoạt động của cơ quan nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ hiệu lực, hiệu quả”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên khẳng định. Trước mắt, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (trong đó trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hai đô thị là thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào đạt các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh. Tỉnh phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; phấn đấu có 500 doanh nghiệp số. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ 100% xã, phường, thị trấn và trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G. 90% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%... Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, nâng cấp bảo đảm tiêu chí 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động mọi nguồn lực của các cấp, các ngành nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động xây dựng phương án, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến, giao tiếp với cơ quan nhà nước qua mạng, hạn chế việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ giấy; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, từng bước nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện chuyển đổi số tại các sở, ngành, địa phương... Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên đã triển khai thành công dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất dược liệu nghệ vàng (Curcuma longa Linn) theo tiểu chuẩn GACP - WHO để chiết xuất curcumin tại tỉnh Hưng Yên". Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự án do Công ty TNHH Hoàng Minh Châu thực hiện tại địa ban huyện Khoái Châu từ năm 2019 đến nay. Trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu dự án đã tập trung điều tra, khảo sát, đánh giá công nghệ, tiếp nhận và làm chủ kỹ thuật thực hiện 4 quy trình công nghệ đối với cây nghệ vàng gồm: kỹ thuật nhân giống cây; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nghệ vàng; kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản sản phẩm; quy trình chiết xuất và tinh chế curcumin từ sản phẩm nghệ. Cùng với đó, dự án đã xây dựng thành công 4 mô hình về nhân giống nghệ vàng: mô hình vườn giống gốc 50.000 m2 và vườn ươm giống 1.000 m2 để sản xuất 30 tấn/ha củ giống nghệ vàng; mô hình trồng, chăm sóc, thu hái nghệ vàng hơn 50 ha; mô hình sơ chế dược liệu hơn 1.500 tấn dược liệu tươi và 250 tấn dược liệu nghệ vàng khô đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam V; mô hình chiết xuất và tinh chế curcumin 300 kg bột Curcumin. Từ các mô hình này, dự án đã mang hiệu quả kinh tế cao, thu lãi hơn 580 triệu đồng. Thông qua dự án còn đào tạo được 12 kỹ thuật viên nắm bắt được các quy trình công nghệ về 4 mô hình của dự án, có khả năng hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân; tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cho trên 300 lượt nông dân nắm vững kỹ thuật, áp dụng thành thạo vào 4 mô hình theo hướng GACP-WHO; tổ chức được 1 hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện dự án và liên kết giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Theo bà Nguyễn Thái Kiều Ngân - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, dự án trên mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội cao, đặc biệt có tính khả thi trong việc ứng dụng mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới tại Hưng Yên nói riêng và người dân, cùng các doanh nghiệp sản xuất nghệ nói chung. Thành công của dự án mở ra cơ hội phát triển trong sản xuất, bảo quản và chế biến các sản phẩm từ nghệ, góp phần vào bảo vệ và giữ vững thương hiệu "Nghệ Chí Tân" của Hưng Yên trên thị trường, nâng tầm sản phẩm chất lượng cung ứng ra thị trường, tạo chuỗi liên kết phát triển bền vững.. Đức Dũng https://vietnamnet.vn/
Kế hoạch Tổ chức các hoạt động Ngày Chuyển đổi số huyện Ân Thi và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024