Các di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Ân Thi (P1) - Đền Ủng

Huyện Ân Thi nằm ở vùng tả ngạn sông Hồng, phía đông của tỉnh Hưng Yên, phía Bắc giáp thị xã Mỹ Hào và huyện Yên Mỹ, phía Nam giáp huyện Phù Cừ và Tiên Lữ, phía Đông giáp huyện Thanh Miện và Bình Giang (Hải Dương), phía Tây giáp huyện Kim Động và Khoái Châu. Diện tích đất tự nhiên 12.498,23 ha, gồm 20 xã, 1 thị trấn với quy mô dân số trên 15 vạn dân.

Ân Thi có lịch sử từ lâu đời. Con người về đây sinh cơ lập nghiệp sớm có một nền văn hóa phát triển. Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với bề dầy lịch sử văn hoá, nơi đây được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, trong thời kỳ khoa bảng đã có 41 vị đỗ Tiến sĩ, Hoàng Giáp và danh tướng, điển hình là Tướng quân Phạm Ngũ Lão vị tướng văn võ song toàn thời Trần, có công lớn trong việc chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13. Nguyễn Trung Ngạn, nhà chính trị nhà ngoại giao xuất sắc thời đại nhà Trần… Hiện nay huyện Ân Thi hiện có 52 di tích được xếp hạng trong đó có 14 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Với những giá trị văn hoá lịch sử ấy, huyện Ân Thi đang là điểm đến thăm quan hấp dẫn dành cho các du khách thập phương để tìm hiểu, khám phá về các giá trị văn hoá của mảnh đất và con người nơi đây.

Đền Phù Ủng

Đền Phù Ủng toạ lạc ở làng Phù Ủng, xã Phù Ủng. Đây là một quần thể kiến trúc đồ sộ, phong phú và độc đáo gồm phần chính đền và nhiều công trình phụ trợ hợp thành, được phân bố dải rác, xen kẽ với khu dân cư. Theo thuyết phong thuỷ, cụm di tích được xây dựng trên khu đất đầu rồng, là nơi dương trạch tốt với thế đất “Thất linh ứng hậu, hình nhân bái tướng, voi quỳ ngựa phục, bên bút bên nghiên, bên cờ bên kiếm, ở giữa có mô hòn ngọc, cạnh dòng sông Cửu Yên như rồng uốn khúc, mà đầu rồng là khu đất dựng đền nhô hẳn ra khỏi làng”.

Đền Ủng xã Phù Ủng

Đền Phù Ủng thờ Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320), một danh tướng văn võ song toàn, được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn hết sức tin cậy, rèn luyện, tiến cử với triều đình và trở thành vị tướng phò tá 3 đời vua nhà Trần. Ông sinh ra tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Đông (nay là thôn Phù Ủng, xã Phù Ủng). Cuộc đời ông gắn liền với chiến trận và những chiến công vang dội, hiển hách góp phần cùng với quân dân nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, đem lại thái bình cho đất nước và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Phạm Ngũ Lão mất tại phủ đệ vua ban ở Thăng Long và được nhà vua phong là “Thượng đẳng phúc thần”.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh, huyện dâng hương tại đền Ủng năm 2024

Ngôi đền là một quần thể di tích có kiến trúc đồ sộ, quy mô rộng lớn khá hoàn chỉnh được chia làm hai khu: Khu trong và khu ngoài.  Khu ngoài gồm đền thờ chính Điện súy thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão. Chính điện gồm 5 gian Tiền tế, ống muống và 03 gian Hậu cung đặt tượng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, được đúc bằng đồng có niên đại thời Nguyễn nặng 300kg ở tư thế ngồi; Bên trái là Lăng thờ Đức Tiên Công, bên kia đường là điện thờ Nhũ mẫu; Khuê Văn Các kết cấu hình bát giác… Khu trong được bố cục theo kiểu “Tiền Thần hậu Phật” gồm đền thờ công chúa Tĩnh Tuệ (con gái Phạm Ngũ Lão), chùa Bảo Sơn (Cảm Ân tự), lăng Quốc công Vũ Hồng Lượng được làm bằng đá xanh với kiến trúc nghệ thuật chạm khắc đá tiêu biểu, đặc sắc thời Hậu Lê thế kỷ XVII.

Hiện nay, tại quần thể di tích đền Phù Ủng còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị về mặt lịch sử cũng như nghệ thuật đó là hệ thống điêu khắc đá, tượng đồng, đại tự, câu đối, chén bạc thời Nguyễn, sắc phong,…

Hoạt động rước Công chúa Tĩnh Huệ ra hầu vua cha

Lễ hội truyền thống đền Phù Ủng được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch, để kỷ niệm ngày ra quân của tướng quân Phạm Ngũ Lão. Trong lễ hội bao gồm phần lễ và phần hội kết hợp vừa trang trọng, tôn nghiêm, vừa rộn ràng, vui tươi. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân lớn của tỉnh thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian như: Cờ tướng, chọi gà, múa rối, kéo co, hát quan họ, xin chữ đầu xuân, hội thi vật cù, nhảy mô đống… thu hút đông đảo du khách đến xem và tham gia. Bên cạnh các trò chơi dân gian, một số hoạt động thể thao như: bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng… diễn ra sôi nổi giúp người dân được hòa mình vào lễ hội cũng như có dịp vui chơi, nghỉ ngơi, cầu mong một năm làm việc may mắn. Lễ hội mang đậm giá trị văn hóa sâu sắc, đây không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao của danh tướng họ Phạm mà còn giáo dục cho những thế hệ sau về ý chí vươn lên, về lòng yêu nước, minh chứng về nền văn hiến lâu đời của dân tộc.

Từ những giá trị tiêu biểu, đặc sắc đó khu di tích đền Phù Ủng được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích “Lịch sử” cấp Quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988.

 

Trung tâm Văn hóa và Truyền thanh huyện

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
43 người đang online