04/06/2013 | lượt xem: 2 Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2012 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2013 BÁO CÁO Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2012 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2013 Phần thứ nhất: TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI NĂM 2012 Năm 2012 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV. Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện với những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng không ít khó khăn đan xen, kinh tế thị trường tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại kéo dài; bão số 5, số 8 ảnh hưởng trực tiếp đã gây khó khăn không nhỏ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự quyết tâm, cố gắng của nhân dân trong huyện đã đạt được kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực. - Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt: 10,5% (KH 13,2%) Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng: 3,9% (KH 4,5%) Giá trị sản xuất TTCN XD tăng: 14,2% (KH 19,2%) Giá trị các ngành dịch vụ tăng: 16,1% (KH 20,3%) - Cơ cấu KT: NN-TTCN, XD-DV,TM: 41%-22,5%-36,5% (KH 41%-22,5%-36,5%) - Thu nhập bình quân đầu người: 27 triệu đồng (KH 27 triệu đồng) - Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên: 0,91% (KH dưới 0,9%) - Tỷ lệ hộ nghèo: 10% (KH dưới 10%) - Trường đạt chuẩn quốc gia đạt 03 trường (KH 3), nâng tổng số trường được công nhận là 21 trường: (Mầm non: 04, Tiểu học: 10, THCS: 07). - Tạo thêm việc làm mới cho: 3000 lao động (KH 3.200) - Làng văn hoá: 05 làng đang làm hồ sơ thẩm định để đề nghị công nhận trong năm 2012 (KH 2 làng). A. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC: I. Về kinh tế: 1. Phát triển nông nghiệp - nông thôn: Trong năm, thời tiết diễn biến phức tạp rét đậm, rét hại kéo dài, hạn hán và bão lụt đã ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển cây trồng, vật nuôi. Song, với sự cố gắng cao của các cấp, các ngành và nhân dân toàn huyện cả hai vụ đã cấy hết diện tích trong khung thời vụ, năng suất cây trồng cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao. Tổng diện tích gieo trồng cả năm: 17.651 ha; diện tích lúa cả năm là 15.991 ha, giảm 0,6% so cùng kỳ, năng suất đạt 131,7 tạ/ha, tăng 1% so cùng kỳ; trong đó lúa chất lượng cao đạt 10.780 ha, chiếm 67,4% diện tích, giảm 0,1% so cùng kỳ. Diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân là 7.967 ha, tăng 0,2% KH, giảm 0,4% so cùng kỳ, năng suất đạt 68,65 tạ/ha, tăng 0,22% KH, giảm 1,7% so với cùng kỳ; sản lượng thóc 54.693 tấn. Diện tích lúa mùa đạt 8.024 ha, tăng 0,93% KH, giảm 0,6% so cùng kỳ; năng suất đạt 63,05 tạ/ha, tăng 0,88% so KH; sản lượng thóc đạt 50.591 tấn; sản lượng thóc cả năm đạt 105.284 tấn, tăng 37 tấn so cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 106.550 tấn, tăng 24 tấn so cùng kỳ. Chương trình hỗ trợ các loại giống được tỉnh, huyện quan tâm, đã hỗ trợ giá cho các loại giống phục vụ sản xuất nông nghiệp là 2.093.791 nghìn đồng. Diện tích trồng rau màu Xuân - Hè 193 ha, tăng 12,2% so cùng kỳ. Diện tích cây trồng vụ Đông 1.370 ha, đạt 76,1% KH. Trồng cây nhân dân được 18.500 cây (trong đó cây lấy gỗ bóng mát 7.500, cây ăn quả 11.000). Đã tổ chức 136 lớp tập huấn, thu hút gần 10.000 lượt người tham gia về chuyển giao kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, gieo cấy lúa, phòng trừ sâu bệnh hại lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tổng đàn lợn 56.048 con, tăng 1,1% so cùng kỳ, đạt 83,7% KH; đàn trâu 570 con, tăng 5,2% so với cùng kỳ, đạt 92,0% KH. Đàn bò 4.150 con, tăng 12,3% so với cùng kỳ, đạt 79,8% KH; đàn gia cầm 1.156 nghìn con, tăng 10,4% so cùng kỳ, tăng 5,1% KH. Diện tích nuôi thả cá 520 ha, đạt 94,5%. Sản lượng cá đạt 3.225 tấn, đạt 87,2% KH. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm. Đã triển khai tổ chức tiêm cả năm cho đàn lợn 79.175 con; đàn trâu, bò 4.625 con; riêng tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn gia súc đợt 1 được 10.950 liều văcxin, đợt 2 được 4.250 liều văcxin. Kinh tế trang trại: Toàn huyện có 240 trang trại, trong đó có 34 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNN-PTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên), và 89 trang trại có giá trị sản lượng hàng hóa bán ra đạt từ 500 triệu đồng trở lên. Các trang trại còn lại có doanh thu dưới 500 triệu. Công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo tập trung. Đã phê duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết và lập đề án xây dựng nông thôn mới cho 2 xã điểm Vân Du và Hồng Quang. Với 18 xã còn lại đã phê duyệt xong quy hoạch chung, lập đề án phê duyệt được 3 xã Nguyễn Trãi, Hồng Vân và Hồ Tùng Mậu; 15 xã còn lại đang tiến hành lập đề án phê duyệt trong thời gian tới. 2. Quản lý đất đai và môi trường: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, môi trường. Đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai tại Thị trấn Ân Thi, Đa Lộc…Tiếp nhận 23 đơn thư của công dân tại các xã Hồng Quang, Đào Dương, Hoàng Hoa Thám, Quang Vinh, Nguyễn Trãi, Hồng Vân, Quảng Lãng, Đa Lộc. UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn tập trung xem xét giải quyết trả lời các kiến nghị của công dân, hầu hết đơn được chuyển về xã giải quyết theo thẩm quyền, số ít còn lại đang tiếp tục giải quyết theo Luật định. Đã cấp đổi và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 209 hộ. Triển khai đối với các xã, thị trấn về xử lý đất dôi dư để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tạo kinh phí xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tốt việc đấu giá quyền sử dụng đất ở các xã Nguyễn Trãi, Quang Vinh, Đào Dương, Thị trấn Ân Thi. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng: Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (giai đoạn 2); Dự án đường nối giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án Tỉnh lộ 200. Các dự án trên địa bàn đã cơ bản được bàn giao cho các đơn vị thi công đúng kế hoạch. Công tác môi trường thường xuyên được quan tâm. Tiếp tục mua bổ sung 26 xe chở rác cấp cho các xã, thị trấn có phong trào vệ sinh môi trường hoạt động tốt, gồm: Thị trấn Ân Thi, Hồ Tùng Mậu, Đặng Lễ, Cẩm Ninh; tổ vệ sinh môi trường của huyện hoạt động có hiệu quả, do vậy góp phần tích cực làm sạch môi trường trên địa bàn huyện. 3. Giao thông, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ: Tiếp tục duy trì và làm tốt công tác trật tự an toàn giao thông, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên về những giải pháp cấp bách đảm bảo an toàn giao thông nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Đang sửa chữa, nâng cấp, cải tạo 1,4 km đường 200D, 0,72 km đường 200B, 1,5 km đường giao thông xã Đặng Lễ, 0,9 km đường giao thông nông thôn xã Nguyễn Trãi, tổng mức đầu tư 16.484 triệu đồng. Các tuyến đường còn lại do huyện quản lý thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng theo kế hoạch. Tiếp tục tuyên truyền và thực hiện tốt Nghị định 11, Nghị định 34 và 71/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Đã kiểm tra, phát hiện 1172 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, phạt tiền 346.950.000 đồng. Ban an toàn giao thông Tỉnh phối hợp với Ban an toàn giao thông huyện kiểm tra, lập biên bản 27 trường hợp xây dựng trái phép vi phạm hành lang giao thông tại các xã, trong đó: Hồng Quang 11 hộ, Nguyễn Trãi 05 hộ, Hồ Tùng Mậu 4 hộ, Vân Du 4 hộ và Hồng Vân 3 hộ. Giải tỏa 35 lều, lán, mái che, mái vẩy; 125 m3 vật liệu xây dựng. Tai nạn giao thông xảy ra 04 vụ, giảm 3 vụ so cùng kỳ, làm chết 3 người, giảm 3 người so cùng kỳ, giảm 6 người bị thương so cùng kỳ. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp thực hiện 213.782 triệu đồng, đạt 95,8% KH, tăng 14,2 % so cùng kỳ. Các ngành nghề, làng nghề truyền thống được duy trì ổn định và phát triển. Dịch vụ vận tải hành khách và vận tải hàng hóa phát triển ổn định, chất lượng từng bước được nâng lên. Hành khách vận chuyển tăng 73.514 người so cùng kỳ,đạt 105,8% KH; hành khách luân chuyển tăng 3.762.974 người/km, đạt 105,1% KH, doanh thu tăng 9.798 triệu đồng so cùng kỳ, đạt 116,3 % KH. Khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 66.502 tấn so cùng kỳ, đạt 107,9% KH, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 1.175.159 tấn/km, tăng 23,2 % so KH, doanh thu tăng 12.888 triệu đồng, đạt 143,4 % so cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ giữ ở mức ổn định, mạng lưới bán buôn, bán lẻ, các dịch vụ tín dụng, ngân hàng, viễn thông vẫn duy trì, bảo đảm phục vụ tốt cho phát triển KT-XH của huyện. Tổng mức hàng hóa bán lẻ đạt 621.964 triệu đồng, đạt 102,4 % so KH, tăng 17,3 % so cùng kỳ. Hoạt động viễn thông đã đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân, các tổ chức kinh tế-xã hội trên địa bàn. Ngành Bưu chính đã làm tốt phát hành báo chí, chuyển tải thông tin nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn. 4. Tài chính - tín dụng - ngân hàng: Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2012 ước thực hiện 34.638 triệu đồng, đạt 73% kế hoạch tỉnh giao, đạt 72% KH huyện giao bằng 69% so với cùng kỳ. Trừ tiền SD đất thu trên địa bàn đạt 130% KH tỉnh giao, 126% KH huyện giao bằng 122% so cùng kỳ. Công tác thu đã có nhiều cố gắng, tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường khai thác triệt để nguồn thu, thu đúng, thu đủ kịp thời vào ngân sách nhà nước. Tổng chi ngân sách ước thực hiện 310.483 triệu đồng, đạt 116% KH, tăng 23% so cùng kỳ. Công tác thu, chi ngân sách đã đảm bảo đúng quy định. Hoạt động của các ngân hàng đã duy trì được nguồn vốn cho các tổ chức và cá nhân vay phát triển KT-XH. Trong đó: Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT 11 tháng đầu năm đã huy động vốn thực hiện 551.705 triệu đồng, tăng 110.017 triệu đồng so cùng kỳ, trong đó vốn huy động trong dân 491.132 triệu đồng. Tổng dư nợ 392.912 triệu đồng, tăng 38.919 triệu đồng so cùng kỳ. Ngân hàng Chính sách XH: Nguồn vốn huy động 207.637 triệu đồng, đạt 95% so với kế hoạch, tăng 19,6% so cùng kỳ. Tổng dư nợ 200.662 triệu đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó: nguồn vốn TW hỗ trợ giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi 210.251 triệu đồng. Các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nông dân phát triển sản xuất. Bảo hiểm xã hội: Có nhiều cố gắng trong việc huy động các thành phần xã hội tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tổng thu bảo hiểm ước thực hiện 58.406 triệu đồng, đạt 102,1% kế hoạch năm, đạt 141,2% so với cùng kỳ. Chi trả các chế độ bảo hiểm 163.805 triệu đồng, đạt 145% so cùng kỳ. Đã thực hiện tốt việc chi trả chế độ bảo hiểm cho các đối tượng chính sách và các đối tượng tham gia bảo hiểm. 5. Xây dựng cơ bản: Trên cơ sở nguồn vốn xây dựng cơ bản của tỉnh phân bổ, huyện đã cân đối đầu tư vào các công trình theo kế hoạch gồm: Nhà Văn hóa trung tâm huyện và một số công trình khác. Ước thực hiện 9.940 triệu đồng (Tỉnh phân bổ 7.040 triệu đồng, tiền sử dụng đất 2.900 triệu đồng), đạt 91% KH. II. V¨n hãa - x· héi: 1. Giáo dục và đào tạo: Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có nhiều cố gắng, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Phong trào giáo dục năm học 2011-2012, huyện Ân Thi là 1 trong 2 đơn vị đứng tốp đầu trong 10 huyện, thành, được UBND tỉnh công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ đơn vị tiêu biểu xuất sắc năm học 2011-2012. Đã tiến hành triển khai thực hiện phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 đạt kết quả tốt. Kiểm tra các đơn vị đăng ký xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hoàn thành các tiêu chí đề nghị cấp trên thẩm định công nhận, gồm: Tiểu học Vân Du, Tiểu học Tân Phúc và THCS Đặng Lễ (Riêng THCS Đặng Lễ đã được công nhận). Tổ chức gặp mặt biểu dương 358 học sinh thi đỗ vào các trường Đại học theo nguyện vọng I. Tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập và đón Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường THPT Ân Thi. Công tác xã hội hoá giáo dục và khuyến học được phát triển đồng bộ. Cơ sở vật chất các ngành học, bậc học được quan tâm và đầu tư. Tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng ngày một tăng, trong đó: Mầm non đạt 44%, Tiểu học đạt 81,3 %, THCS đạt 88,8 %. Tiếp tục thực hiện tốt Đề án kiên cố hóa trường lớp. Đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2011-2012 và tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2012-2013. 2. Y tế - Dân số KHHGĐ: Thường xuyên nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại Trung tâm Y tế huyện, các trạm Y tế xã, thị trấn. Đã khám và chữa bệnh cho 39.533 lượt người, đạt 146,4% KH. Tổ chức tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 100%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 13,8%, giảm 0,2% so cùng kỳ. Chủ động triển khai công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh xảy ra; tăng cường quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân, đã kiểm tra 35 cơ sở, yêu cầu ngừng hoạt động 3 cơ sở. Thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đã kiểm tra 50 cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện 05 cơ sở vi phạm. Trong năm không có ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra. Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm, thường xuyên tuyên truyền bằng các hoạt động truyền thông và tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, từng bước giảm tỷ suất sinh. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,91%. 3. Văn hóa-Thông tin và Truyền thanh: Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị của huyện, các ngày lễ lớn. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, thường xuyên kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa; chỉ đạo quản lý tốt các di tích đã xếp hạng theo Luật định. Từng bước nâng cao chất lượng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Hướng dẫn các làng đăng kí xây dựng làng văn hóa theo quy định; tổ chức kiểm tra, thẩm định, đề nghị công nhận các làng văn hóa đủ điều kiện. Khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thể dục thể thao quần chúng, thường xuyên có 25 % số dân tham gia thể thao, rèn luyện sức khỏe. Tham gia các hoạt động thể thao thành tích cao của tỉnh đã đạt được 19 huy chương các loại, gồm 04 HCV, 05 HCB và 10 HCĐ. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, đảm bảo phản ánh kịp thời các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Trong năm, Đài huyện đã sản xuất 328 chương trình, 3.000 tin bài, 13 chuyên mục; Chỉ đạo các Đài xã thực hiện tốt chương trình tiếp âm phục vụ tuyên truyền tại địa phương. Đầu tư, hỗ trợ nâng cấp 4 Đài Truyền thanh xã (Xuân Trúc, Nguyễn Trãi, Đa Lộc, Tiền Phong), tổng kinh phí 240 triệu đồng. 4. Lao động TB&XH: Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi đối với người có công; tích cực giải quyết những tồn đọng cho các đối tượng chính sách, nhất là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và các con của họ, hồ sơ đã được hoàn chỉnh từ năm 2010 đề nghị tỉnh thẩm tra, quyết định theo thẩm quyền. Nhân dịp tết Nhâm Thìn, ngày 27/7 tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho 9.283 đối tượng chính sách với số tiền 8.141 triệu đồng. Rà soát các đối tượng xã hội theo Nghị định 67/CP của Chính phủ, đã phê duyệt cho 579 đối tượng. Khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ phát triển tạo việc làm mới cho 3.000 lao động có thu nhập ổn định. Thường xuyên chăm sóc trẻ em, tổ chức tốt tháng hành động vì trẻ em. Nhân dịp các ngày lễ, tết, khai giảng năm học mới đã tặng học bổng, quà cho hơn 200 học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ 8 điểm vui chơi và trao học bổng cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. Hỗ trợ, sửa chữa nhà ở cho 43 nhà đối với người có công và các đối tượng xã hội với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng. Triển khai mua bảo hiểm Y tế cho 19.687 đối tượng chính sách với số tiền 11.102 triệu đồng. 5. Xây dựng chính quyền, cải cách hành chính: * Xây dựng chính quyền: Thường xuyên xây dựng và củng cố chính quyền, bổ nhiệm công chức theo nhu cầu của từng đơn vị. Triển khai và thực hiện đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về làm công chức dự bị tại các xã, thị trấn. * Cải cách hành chính: Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn theo kế hoạch của tỉnh giai đoạn 2012-2015. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế “ một cửa và một cửa liên thông” gắn với việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục không còn phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và nhân dân khi tiếp xúc với thủ tục hành chính. Công tác rà soát, phát hành các văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào nền nếp và có chất lượng. Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí thực hành tiết kiệm được tăng cường, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng; hoạt động tôn giáo trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của nhà nước. Công tác thi đua khen thưởng được thường xuyên quan tâm và thực hiện đúng quy định của pháp luật, đã động viên tốt phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức, các ngành, đoàn thể, địa phương. III. Công tác quốc phòng, an ninh, thanh tra, tư pháp, thi hành án: Nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương được đặc biệt quan tâm. Thường xuyên kiểm tra các đơn vị dân quân xung kích cơ động sẵn sàng tham gia phòng chống lụt, bão, úng. Tổ chức kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu, đã bàn giao cho đơn vị nhận nguồn 284 đồng chí, hoàn thành 100% chỉ tiêu; quân số tham gia huấn luyện dân quân tự vệ 1.925 đồng chí, đạt 85,6%. Đã làm tốt việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2012 và tổ chức tiễn 275 thanh niên ưu tú lên đường bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm chất lượng và kế hoạch giao. Chỉ đạo và tổ chức diễn tập quốc phòng, an ninh cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và diễn tập chiến đấu trị an cho 4 xã: Tiên Phong, Đào Dương, Văn Nhuệ, Bắc Sơn đạt kết quả tốt. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ và thi hành lệnh thiết quân luật trên địa bàn huyện, cử cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng với đối tượng 2, 3. Phối hợp với các ngành chức năng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an ninh nông thôn ít có diễn biến phức tạp. Thực hiện tốt kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tết Nguyên Đán Nhâm Thìn cũng như các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên về công tác đảm bảo an ninh. Đã phối hợp tốt giữa Công an huyện với các ngành chức năng triển khai, chỉ đạo Công an các xã, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Thường xuyên chủ động phát hiện, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, ma tuý, tệ nạn xã hội. Số vụ phạm pháp hình sự xảy ra 63 vụ, tăng 18 vụ so cùng kỳ, đã điều tra làm rõ 56 vụ, 92 bị can, đạt 88,8%; phát hiện và bắt giữ 16 ổ nhóm 94 đối tượng, khởi tố điều tra 6 vụ, xử lý hành chính 10 vụ. Án đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%, án rất nghiêm trọng đạt 3/4 vụ, bằng 75%; phát sinh 10 đối tượng truy nã, đối tượng cũ là 11, đã bắt vận động đầu thú 9 đối tượng, đạt 42,8%. Lực lượng công an đã tập trung đấu tranh làm rõ các loại tội phạm khác như kinh tế, môi trường, tệ nạn xã hội... thu hồi tang vật và hàng trăm triệu đồng. Công tác bảo vệ chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an ninh nông thôn ổn định. Được sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các ngành chức năng đã kiên quyết đấu tranh triệt phá các tụ điểm buôn bán ma túy, cờ bạc…trên địa bàn huyện đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Với thành tích đạt được, lãnh đạo huyện và công an huyện đã được nhân dân gửi thư ca ngợi và cảm ơn. Tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn giao thông, các tai tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện. Đã triển khai 24 cuộc thanh tra, gồm 21 cuộc thanh tra KT-XH và 03 cuộc giải quyết đơn tố cáo; kết luận 22 cuộc, gồm 20 cuộc thanh tra KT-XH và 03 cuộc giải quyết đơn. So với năm 2011 giảm 2 cuộc. Tiếp 35 lượt công dân (bằng 58 người ), so với năm 2011 tăng 10 lượt, nhưng giảm 26 người. Tiếp nhận 82 đơn, tăng 37 đơn so cùng kỳ; trong đó 02 đơn khiếu nại, 33 đơn tố cáo, kiến nghị; 47 đơn phản ánh. Công tác tiếp dân thường xuyên được quan tâm, đã tổ chức đối thoại 03 cuộc, so với năm 2011giảm 04 cuộc; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện tiếp 12 lượt công dân. Các vấn đề công dân phản ảnh chủ yếu liên quan đến công tác đến bù, giải phóng mặt bằng đối với dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường 200B, tranh chấp mốc giới..., các vấn đề phản ánh đã được lãnh đạo huyện và các phòng, ngành chuyên môn giải đáp kịp thời, vì vậy đã hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài, ít có khiếu kiện vượt cấp. Hoạt động tư pháp có nhiều cố gắng, thường xuyên phổ biến giáo dục pháp luật tới cơ sở nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc, các tranh chấp nẩy sinh từ cơ sở, góp phần ổn định an ninh nông thôn. Thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ huyện xuống cơ sở. Thường xuyên kiểm tra công tác đăng kí và quản lý hộ tịch chứng thực; rà soát và hướng dẫn rà soát văn bản quy phạm pháp luật của UBND huyện, các xã, thị trấn bảo đảm văn bản phát hành đúng quy định. Công tác thi hành án dân sự có nhiều cố gắng, án phải thi hành trong năm 502 việc; số việc cũ chuyển sang 173, đã thụ lý mới 329 việc, đã giải quyết 321 việc. Số tiền thu được 2.333,3 triệu đồng, số tiền còn phải thu 2.505 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 4,76% về số việc và 3% về giá trị; Các việc chưa được thi hành hầu hết không có mặt ở nơi cư trú hoặc có nhiều trường hợp quá khó khăn chưa được thi hành. B. NHỮNG HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN I. Những hạn chế: - Sản xuất nông nghiệp: Trong chỉ đạo điều hành một số xã chưa tập trung cao, nhất là chấp hành thời vụ gieo cấy như Bắc Sơn, Đào Dương; hậu quả, do ảnh hưởng của Bão số 5 một số diện tích lúa cấy muộn của Đào Dương đã bị ảnh hưởng. Công tác giải tỏa, khơi thông dòng chảy phục vụ phòng, chống lụt, bão úng của Xí nghiệp KTCTTL huyện, một số xã còn chậm. Trên sông Quảng Lãng, sông Tam Đô và một số kênh tiêu ở một số xã diện tích bèo, sen còn nhiều; tình trạng tái vi phạm lấn chiếm dòng chảy như vó bè, đăng, đập... nhưng chưa được xử lý, giải toả dứt điểm ngay. Để nhân dân lấn chiếm dòng chảy trên trục sông Quảng Lãng chưa được giải tỏa triệt để như Nguyễn Trãi, Quảng Lãng. - Công tác quy hoạch nông thôn mới chậm so với kế hoạch, một số xã chưa thực sự tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. - Công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn một số cơ sở buông lỏng dẫn đến xảy ra tình trạng vi phạm quản lý trong lĩnh vực đất đai, như: Đào Dương, Đa Lộc, Đặng Lễ, Quang Vinh, khi bị phát hiện đã không nghiêm túc khắc phục lại tiếp tục để có vi phạm phát sinh nhưng không kiên quyết xử lý như Đa Lộc. - Công tác thi công đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng còn một số bất cập, tồn tại; nguyên nhân do chủ đầu tư và đơn vị thi công không thực hiện nghiêm túc như thiết kế trong khi phải có đường tạm, cống tưới tiêu tạm để phục vụ sản xuất, đi lại sinh hoạt cho nhân dân, đã tạo ra những bức xúc trong nhân dân tại thôn Ninh Đạo, xã Tân Phúc và đang tiềm ẩn, phát sinh những bức xúc trong nhân dân thôn Ấp Đòng, xã Bãi Sậy. - Một số xã chưa thực sự quan tâm công tác môi trường để nhân dân đổ rác thải bừa bãi ra ven làng, ven đường giao thông, kênh mương làm ô nhiễm môi trường, ách tắc dòng chảy và đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như xã Đào Dương, Xuân Trúc, Quảng Lãng... - Công tác an toàn giao thông còn có một số bất cập, đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng do lưu lượng xe quá khổ, quá tải hoạt động đã làm cho nhiều tuyến đường quan trọng của huyện xuống cấp, nhất là quốc lộ 38, tỉnh lộ 200 và các tuyến đường thuộc huyện quản lý. - Năng lực chuyên môn của một số cán bộ ở một số xã còn yếu, vai trò tham mưu còn hạn chế, hiệu quả giải quyết công việc không cao. Việc quản lý, điều hành của một số xã còn buông lỏng, thiếu tập trung, có giải quyết nhưng không dứt điểm. Thiếu chỉ tiêu giao quân như Đa Lộc. - Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở một số xã vẫn còn buông lỏng, nên xảy ra tình trạng xuất hiện đạo lạ nhưng không xử lý kịp thời như: Quảng Lãng, Hồng Quang, Tiền Phong, Nguyễn Trãi...; thỉnh đón sư không đúng quy định, khi phát hiện chính quyền chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm như Tân Phúc, Nguyễn Trãi và một số xã khác. II. Nguyên nhân của những tồn tại: - Khách quan: Do tác động của kinh tế thị trường, lạm phát tiếp tục tăng; thời tiết có những diễn biến bất thường, khó lường như rét đậm, rét hại, bão úng…đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của nhân dân. - Chủ quan: Một số địa phương chưa thay đổi được phong tục tập quán canh tác do nhận thức của một số cán bộ, công chức và một bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa chủ động trong việc khai thác các nguồn lực để phát triển kinh tế địa phương. Công tác quản lý và điều hành ở một số địa phương thiếu sát sao, buông lỏng. Một số lĩnh vực có dấu hiệu vi phạm nhưng không kịp thời ngăn chặn, xử lý để vụ việc phát sinh mới xử lý nhưng lại không triệt để, nhất là quản lý đất đai, hành lang giao thông, lấn chiếm dòng chảy… Trình độ năng lực chuyên môn của một số cán bộ, công chức ở một số lĩnh vực phân công còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Việc thực hiện tuyên truyền ở một số xã về các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội còn yếu, thiếu thuyết phục, do vậy nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành các hoạt động của địa phương hiệu quả không cao. Phần thứ hai: MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI NĂM 2013 Năm 2013, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV về mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh, dự báo có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Do lạm phát kinh tế vẫn tăng cao, ngoài ra thiên tai, bão lũ, dịch bệnh tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, yếu kém, tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh đảm bảo trật tự an toàn xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. I. Mục tiêu chủ yếu: -Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt: 11,0%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng: 4,1%. Giá trị sản xuất CN, TTCN XD tăng: 14,6%. Giá trị các ngành dịch vụ thương mại tăng: 16,4%. - Cơ cấu kinh tế NN, CN TTCN XD, DVTM: 38,9%-23,0%-38,1%. - Giá trị thu nhập bình quân đầu người: 29 triệu đồng. - Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định: dưới 1%. - Tỷ lệ hộ nghèo: dưới 9 %. - Tạo thêm việc làm mới cho: 2500 lao động. - Trường đạt chuẩn Quốc gia: 03 trường. - Công nhận 02 làng văn hóa mới. II. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu : 1. Lĩnh vực kinh tế: 1.1. Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng dụng các biện pháp sản xuất thâm canh, duy trì gieo cấy những giống lúa mới có năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao (nhất là lúa lai). Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ các giống lúa lai và tìm nguồn giống có địa chỉ tin cậy để giúp nông dân chủ động về giống. Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm tăng năng suất, cây trồng, vật nuôi. Thực hiện nghiêm túc cơ cấu giống và lịch thời vụ, thực hiện phương thức gieo cấy chủ yếu là mạ nền đất cứng, gieo thẳng, kiên quyết không gieo mạ dược. Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, tập trung xa khu dân cư, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, nhất là các vùng trồng rau an toàn, như: Đào Dương, Tiền Phong, Hồng Vân, Quang Vinh. Tiếp tục tuyên truyền để nhân dân trồng, ghép các cây ăn quả có giá trị như nhãn đã có hiệu quả tại các xã: Đa Lộc, Tiền Phong, Hạ Lễ...Tổ chức trồng cây nhân dân, nhất là cây ăn quả đạt kế hoạch. Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất tình hình dịch bệnh, nhất là bệnh tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm, long móng ở gia súc. Tổ chức tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân về gieo trồng, chăm sóc, chăn nuôi theo hướng khoa học hiện đại, hiệu quả cao. Thực hiện tốt công tác phòng chống lụt, bão, úng, quản lý đê điều, chú trọng thuỷ lợi nội đồng, chủ động ứng phó và xử lý kịp thời với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là trong mùa mưa bão. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình, mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại 2 xã điểm Vân Du, Hồng Quang và hoàn thành đồ án chi tiết cho 18 xã về xây dựng nông thôn mới. 1.2. Tài nguyên và môi trường: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường, nhất là các xã, thị trấn nhiều năm có sai phạm về quản lý đất đai, kiên quyết không để các trường hợp vi phạm về đất đai tái diễn. Đẩy mạnh việc cấp đổi và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dân cư. Tập trung tháo gỡ một số vướng mắc còn tồn tại do chủ đầu tư, đơn vị thi công và giám sát thi công trong quá trình thi công dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (giai đoạn 2). Tiếp tục hướng dẫn các xã, thị trấn hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị tỉnh cho phép đấu giá đất dân cư, đất dôi dư, xen kẹp nhằm tăng ngân sách đầu tư xây dựng nông thôn mới. Quan tâm hơn nữa công tác môi trường, làm tốt việc thu gom rác thải tại các xã, thị trấn không để rác thải tồn đọng trên địa bàn. 1.3. Phát triển công nghiệp, TTCN: Tiếp tục thực hiện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2015 theo tinh thần nghị quyết của BCH Đảng bộ – HĐND huyện. Đề nghị tỉnh sớm phê duyệt các khu công nghiệp địa phương tạo điều kiện cho các dự án công nghiệp đầu tư vào địa bàn. Tranh thủ và tận dụng tối đa lợi thế dự án Tỉnh lộ 200, đường nối hai đường Hà Nội- Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 38, tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cho các cụm công nghiệp địa phương, ưu tiên các dự án lớn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao tăng nguồn thu cho ngân sách huyện, sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ và bảo đảm tốt về môi trường. 1.4. Giao thông, bưu chính, viễn thông: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông. Đề nghị với tỉnh, TW đầu tư duy tu, nâng cấp Quốc lộ 38. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm hành lang giao thông, trật tự an toàn giao thông. Ban An toàn giao thông huyện phối hợp với các xã, thị trấn tập trung giải tỏa các chợ lấn chiếm đường giao thông như: Vân Du, Xuân Trúc, Đặng Lễ, Nguyễn Trãi, Đa Lộc. Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường do huyện quản lý. Nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông. Thực hiện tốt kế hoạch ứng dụng thông tin trong các cơ quan nhà nước theo đề án của tỉnh. Duy trì tốt hoạt động của ngành bưu chính nhằm bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt. 1.5. Phát triển dịch vụ: Tăng cường các hoạt động dịch vụ, đa dạng hoá các thành phần kinh doanh, khuyến khích các loại hình dịch vụ đầu tư vào địa bàn như: vận chuyển hành khách, văn hóa thông tin, đào tạo nghề, các dịch vụ kinh doanh, phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác quản lý thị trường chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo cung ứng ổn định các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng. 1.6. Hoạt động tài chính, ngân hàng: Phấn đấu hoàn thành các sắc thuế theo chỉ tiêu kế hoạch giao; tăng cường các giải pháp thu thuế, nhất là thuế ngoài quốc doanh. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách, bảo đảm chi đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện tốt việc khoán chi và ổn định chi cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Các ngân hàng huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, tăng nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, cá nhân vay để phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng sản xuất và phục vụ đời sống xã hội của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt việc cho vay hỗ trợ lãi suất cho sinh viên, các hộ nông dân nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. 1.7. Đầu tư xây dựng cơ bản: Trên cơ sở nguồn vốn xây dựng cơ bản của tỉnh phân bổ, điều tiết và các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ khác, cần tập trung đầu tư các công trình chuyển tiếp, công trình làm mới theo kế hoạch. 2. Lĩnh vực văn hóa xã hội: 2.1. Giáo dục và đào tạo: Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và thực hiện tốt “Chuẩn Hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp đối với đội ngũ giáo viên”. Tăng cường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt kỷ cương dạy và học nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là chất lượng đại trà, chú trọng bồi dưỡng chất lượng giáo dục mũi nhọn học sinh giỏi, giáo viên giỏi. Tập trung chỉ đạo UBND các xã, các trường cận chuẩn và phấn đấu xây dựng chuẩn đăng ký xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, gồm THCS: Bãi Sậy, Nguyễn Trãi; Mầm non: Hạ Lễ; Tiểu học: Hoàng Hoa Thám, Hồng Quang (mức độ 1), Tiểu học Hạ Lễ (mức độ 2). Quan tâm hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục. Thực hiện tốt chương trình kiên cố hoá trường lớp học bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. 2.2. Y tế, dân số, gia dình và trẻ em: Duy trì tốt các hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt y đức, từng bước nâng cao chất lượng khám, điều trị đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế Quốc gia; Đề án thu hút bác sỹ, dược sỹ về công tác tại huyện. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Tăng cường công tác quản lý về hành nghề y, dược tư nhân. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về y tế, duy trì các xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, duy trì dân số tăng tự nhiên dưới 1%, tăng cường tuyên truyền, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn về sức khỏe sinh sản và dân số kế hoạch hóa gia đình; có biện pháp ngăn ngừa tình trạng mất cân đối giới tính khi sinh, từng bước giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. 2.3. Văn hóa, thể thao, truyền thanh: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao chất lượng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị, gia đình văn hóa. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước. Đài Truyền thanh huyện, các xã, thị trấn duy trì lịch phát sóng nhằm tuyên truyền đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách và các nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, nhất là dịch vụ Internet nhằm phát huy tác dụng tích cực, hạn chế tiêu cực. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, quan tâm đầu tư thể thao thành tích, duy trì thể thao phong trào, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Chỉ đạo và tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao cấp huyện năm 2013. 2.4. Công tác Lao động và xã hội, người có công: Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Bảo trợ xã hội”, thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, chăm lo các đối tượng xã hội. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đẩy mạnh chương trình giảm nghèo thông qua các chương trình dự án hỗ trợ các hộ nghèo, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới. Tiếp tục rà soát các đối tượng xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 67, 13 của Chính phủ. Thực hiện tốt đề án cho sinh viên và các hộ nghèo vay vốn để khắc phục khó khăn phát triển kinh tế gia đình, bảo đảm an sinh xã hội. Quan tâm hơn nữa công tác lao động, việc làm cho nông dân nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. 3. Quốc phòng , an ninh, thanh tra, tư pháp, thi hành án: 3.1. Quốc phòng: Tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ, dân quân tự vệ, các đơn vị cơ động, dự bị động viên; Tổ chức diễn tập chiến đấu trị an cho 4 xã và 01 cơ quan. Tiếp tục thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Cămphuchia; phối hợp với các ngành chức năng đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ. Xây dựng kế hoạch tuyển chọn gọi công dân lên đường nhập ngũ đảm bảo đủ số lượng, chất lượng. Chuẩn bị phương tiện, lực lượng tham gia phòng chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn hiệu quả. 3.2. An ninh: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm, tập trung vào tội phạm hình sự, ma túy. Kiên quyết đấu tranh, triệt phá một số loại tội phạm như: cho vay nặng lãi, siết nợ... Phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các vi phạm hình sự và các tệ nạn xã hội như: ma túy, cờ bạc, mại dâm... Tăng cường tuần tra, kiểm tra việc chấp hành giao thông nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Giải quyết kịp thời có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, tăng cường công tác đối thoại với công dân, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân và tạo được niềm tin trong nhân dân. Xử lý nghiêm những phần tử lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để khiếu nại, tố cáo sai nhằm gây rối làm mất trật tự xã hội. 3.3. Thanh tra, tư pháp, thi hành án: Triển khai thanh tra theo kế hoạch, thanh tra chuyên đề; trong quá trình tổ chức thanh tra phải phối hợp tốt với các ngành chức năng để thực hiện thanh tra có hiệu quả hơn. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49/NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nâng cao chất lượng việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh thực hiện thi hành án, tập trung các án có điều kiện thi hành, phấn đấu tỉ lệ chấp hành án cao. 4. Xây dựng chính quyền, cải cách hành chính: Tăng cường hơn nữa công tác xây dựng chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ và kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2012-2015. Tiếp tục thực hiện tốt Đề án 30 của Chính phủ về “Đơn giản hóa thủ tục hành chính” thông qua việc ban hành và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức. Phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các biểu hiện gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Xử lý nghiêm cán bộ công chức, viên chức cố tình vi phạm Luật Công chức. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2012 là bước đi vững chắc cho những năm tiếp để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXIV và mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015./. ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN Văn phòng HĐND-UBND huyện
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023