Ân Thi đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Là địa phương không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, song với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ân Thi đã đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo sức bật trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Lãnh đạo huyện Ân Thi thăm mô hình trồng nhãn cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Đa Lộc

Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, huyện xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các địa phương thi đua xây dựng nông thôn mới. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện (Ban chỉ đạo huyện) đều họp đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, yếu kém, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về nhận thức, quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong xây dựng nông thôn mới. Huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác dồn thửa đổi ruộng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề... Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chức năng của từng đơn vị tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy vai trò trong việc tham gia thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. 

Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, huy động các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc để chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong tổng số nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện trên 5.100 tỷ đồng thì huy động từ doanh nghiệp 3,5 tỷ đồng, đóng góp của nhân dân, các tổ chức, cá nhân ủng hộ trên 190 tỷ đồng. Ngoài ra, quá trình xây dựng nông thôn mới còn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát triển sản xuất, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cảnh quan môi trường thôn, xóm xanh, sạch, đẹp. Hội Cựu chiến binh huyện vận động gia đình hội viên hiến trên 4.000m2 đất, hàng nghìn ngày công góp sức xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong huyện đã xây dựng hàng trăm mô hình đoạn đường tự quản, đường hoa phụ nữ, thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật và rác thải trên đồng ruộng... góp phần bảo vệ môi trường tại các địa phương. Hội Nông dân huyện đã tư vấn, hướng dẫn thành lập 1 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác, 5 tổ hội nghề nghiệp; tổ chức 28 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 1.260 lượt lao động nông thôn. Đoàn thanh niên đảm nhận 594 công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan, bảo vệ môi trường từ nguồn xã hội hóa với tổng trị giá trên 2,2 tỷ đồng...

Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, hầu hết các chỉ tiêu huyện đều đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Toàn huyện có 20/20 xã nông thôn mới (đạt 100%). Hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, hiệu quả cao hơn.  Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút đầu tư vào địa bàn nông thôn đạt kết quả khá. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2019 đạt 47,02 triệu đồng/người, tăng 24,01 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm tăng từ 84,6% năm 2011 lên 99,8% năm 2019. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao… tiếp tục phát triển. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,73%. Hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả… 

Diện mạo nông thôn mới ở huyện Ân Thi

Với những kết quả đã đạt được, ngày 7.10.2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1524/QĐ-TTg, công nhận huyện Ân Thi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đây là sự cổ vũ, động viên to lớn, ghi nhận sự nỗ lực, chung sức đồng lòng và quyết tâm phấn đấu cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ân Thi; đồng thời là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện.


Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là lâu dài, không có điểm dừng, do đó trong thời gian tới, huyện Ân Thi sẽ không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về sản xuất, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường; tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, hiệu quả cao; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, dân chủ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao trình độ dân trí; giữ môi trường sinh thái trong sạch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

 

Nguồn: Báo Hưng Yên