Gương Ông Đoàn Văn Hiểu xã Đa Lộc thu gần 500 triệu đồng từ trồng vải

Nói đến mô hình trồng vải cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Ân Thi, không thể không nhắc tới mô hình trồng vải của gia đình ông Đoàn Văn Hiểu ở thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc

Hiện nay, diện tích trồng vải của gia đình ông Hiểu rộng 1ha, với số lượng 240 cây, chủ yếu là giống vải lai u chín sớm. Mấy năm trở lại đây ông Hiểu đưa thêm giống vải u trứng vào trồng, đây là giống vải quý được nhân giống từ xã Tam Đa huyện Phù Cừ. Ông Hiểu chia sẻ: “Vải u trứng thường thu hoạch sau vải lai u từ 7 – 10 ngày và thu hoạch trước vải thiều. Loại vải này khi chín cho quả to, khoảng 18 quả/kg, vỏ đỏ rực đẹp mắt, vị ngọt đậm rất ngon”. Tuy nhiên, ông Hiểu cho biết thêm, “Đây là loại cây “khó tính”, khó đậu quả, năm nay do thời tiết thuận lợi cho các trà vải sớm ra hoa và đậu quả, nên sản lượng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt là cây vải u trứng. Những năm trước, tỷ lệ đậu quả của cây vải u trứng chỉ đạt trung bình từ 30 - 40%, thậm chí có năm còn mất trắng, nhưng mấy năm nay do có kinh nghiệm trồng vải hàng chục năm nay cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăm sóc vì vậy vườn vải của ông Hiểu đạt năng suất cao, tỷ lệ đậu quả của cây đạt từ 80 - 90%”. 
Ước tính với 2,3 mẫu trồng vải sớm, năm nay ông thu được khoảng 20 tấn quả, trong đó sản lượng vải u trứng đạt trên 2 tấn quả, tăng gấp 2 lần so với các năm trước. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, thương lái đến tận vườn thu mua. Vải lai chín sớm ước tính sản lượng đạt 18 tấn với giá bán từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Vải u trứng sản lượng đạt trên 2 tấn với giá bán 55.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi năm ông cung cấp khoảng 1000 cành vải giống với giá bán 40 nghìn đồng/cành. Tính riêng năm nay, vườn vải cho thu gần 500 triệu đồng.

 

Đài truyền thanh huyện