Hát trống quân Đào Quạt: Một nét đẹp văn hóa của người Ân Thi

Theo nhịp sống hiện đại, những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc đang dần dần bị mai một, trong đó có làn điệu hát trống quân của tỉnh ta. Theo chân cán bộ Văn hóa xã, chúng tôi có dịp đến thăm quê hương Đào Quạt của xã Bãi Sậy, là cái nôi của nghệ thuật hát trống quân của tỉnh ta trong những ngày đầu Xuân để thấy được người dân nơi đây đang từng ngày gìn giữ, sưu tầm những câu hát trống quân và đã trở thành món ăn tinh thần quý giá, được giữ gìn trong suốt nhiều năm qua.

          Theo như lời kể của cụ Trần Thị Cúc thì trống quân Đào Quạt đã có từ xa xưa và có từ bao đời nay thì không ai biết, song lối hát trống quân như: Hát chào, hát họa, hát đố, hát thách, hát ước hẹn, hát thề nguyền vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Trước đây, cứ vào dịp rằm tháng Tám, hội làng hay vui xuân, nam nữ lập thành từng đội hát đối với đám bạn thuộc thôn Tào Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương để gửi gắm tâm tình cho nhau và xua tan đi những nhọc nhằn sau những ngày lao động vất vả. Theo tục lệ, khi vào canh hát, người nữ hoặc người nam ngồi xuống xướng lên lời chào, trong đám có đối đáp được thì vào hát, hát hay đối giỏi thì được khen, được thưởng, hát dở mà đối lệch thì bị chúng bạn, người xem chê cười. Vốn là thể loại hát đối đáp trai gái nên tình yêu nam nữ vẫn là chủ đề lớn nhất của hát Trống quân Đào Quạt. Mỗi đám hát chính có khoảng từ 4-5 người, còn lại là những người hậu thuẫn hay giúp sức còn gọi là “xui đỡ” cho nhau lúc “bí”. Khi có nhóm nữ ra vế đối thì bên kia phải là nam đối đáp hoặc ngược lại.

          Hát trống quân Đào Quạt là những câu hát dựa trên nền thơ lục bát dung dị, dễ nhớ cùng với nhạc điệu là chiếc trống quân độc đáo, mang tính đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Hồng. Theo lời kể của các cụ cao niên ở thôn thì trống hát trống quân không giống với bất kỳ loại trống nào khác, chiếc trống thực chất là một chiếc thùng gỗ, kèm theo một đoạn dây mây, một cái chạc để kê dây, hai cọc để buộc dây và dùi trống để người hát vừa hát vừa gõ nhịp đều đặn hòa với lời hát đối đáp của trai gái, đôi này hát xong lại chuyển cho đôi khác hát tiếp cho đến khi tàn hội, hát chào, hát giã bạn mọi người mới dần ra về, mà mỗi khi vào đám trống quân ngày xưa, gái trai mê mải lắm, hát tới khi không họa vần được là thua mới thôi, mà câu hát hay và dí dỏm lắm.

Bên nam đối rằng:

“Thấy nàng mặt phượng môi son

Mày ngài da tuyết đào non trên cành

Cho nên anh mới tỏ tình

Hỏi nàng quê quán tỉnh danh là gì?”

Bên nữ đáp lại rằng:

“Chẳng hay thời chàng hỏi làm gì

Quê em thời Đào Quạt chứ thời huyện Ân í Thi

Tên em thời là Nguyễn Thị Huyền

Kém bề thời nhan sắc chứ kém màu thanh í cao”

          Cứ thế, có đôi trai tài gái sắc hát mấy đêm liền mới chịu nhau rồi nên duyên. Tuy hiện nay trước nguy cơ nghệ thuật truyền thống hát Trống quân có thể bị mai một do những người hát đều cao tuổi, nhưng những người dân thôn Đào Quạt chọn cách bảo tồn và gìn giữ nét truyền thống văn hóa này bằng việc thong qua câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi của thôn, duy trì tập luyện và sưu tầm các bài hát trống quân cổ và tự biên lời bài hát mới và truyền dạy cho lớp trẻ.

          Tuy hát trống quân Đào Quạt có lúc thăng, lúc trầm nhưng người dân nơi đây vẫn luôn gắn bó và thủy chung với nó. Hi vọng những bài hát trống quân nơi đây sẽ còn bay cao, bay xa hơn nữa để thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc.

Thế Anh-Đài Truyền thanh