Hưng Yên sẽ tuyển khoảng 250 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức xã

Khoảng 250 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy sẽ được tuyển dụng về làm công chức tại các xã, phường, thị trấn của Hưng Yên trong giai đoạn 2018 - 2021. Đây là một trong các nội dung chính của Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức tại xã, phường, thị trấn vừa được HĐND tỉnh thông qua.
 
Hơn 600 cán bộ, công chức cấp xã nghỉ hưu trong 4 năm tới
 
Trước hiện trạng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay và qua rà soát số lượng cán bộ công chức cấp xã về hưu trong 4 năm tới, Hưng Yên tiếp tục thực hiện Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức cấp xã, giai đoạn 2018- 2021.  
Sinh viên tốt nghiệp đại học về làm việc tại xã Hồng Vân (Ân Thi) đi thực tế cơ sở cùng cán bộ xã
Sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm việc tại xã Hồng Vân (Ân Thi) đi thực tế cơ sở cùng cán bộ xã
Để thu hút, tuyển dụng khoảng 250 sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức tại các xã, phường, thị trấn theo mục tiêu của đề án, Hưng Yên sẽ chi tổng kinh phí là 14 tỉ đồng.
 
Báo cáo của các huyện, thành phố cho thấy, trong 4 năm tới (2018-2021), toàn tỉnh sẽ có hơn 600 cán bộ, công chức cấp xã sẽ nghỉ hưu, gồm 402 cán bộ và 224 công chức.  
 
Theo thống kê của Sở Nội vụ, tổng số biên chế cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn của tỉnh hiện có là 3344 người, trong đó, 1605 cán bộ và 1739 công chức. Xét về trình độ chuyên môn, khoảng 40% số cán bộ cấp xã có trình độ từ cao đẳng trở lên. Tỷ lệ này trong công chức cấp xã là trên 50%. Tuy vậy, vẫn còn hơn 10% số cán bộ cấp xã và hơn 2% số công chức cấp xã chưa qua đào tạo… 
 
Trước đó, Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn đã được Hưng Yên triển khai từ năm 2009, với 2 giai đoạn. 
 
Từ những sinh viên đầu tiên về công tác tại các xã của huyện Ân Thi vào năm 2009, đến nay, toàn tỉnh đã tuyển dụng được 471 người. Riêng trong giai đoạn 2 (2012-2015) của đề án, toàn tỉnh tuyển dụng được 388 người. 
 
Tính đến tháng 5.2017, đã có 289 người được bổ nhiệm vào các chức danh công chức, 10 người được bố trí chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã, còn 89 người chưa được bổ nhiệm chức danh công chức. Một số địa phương tuyển dụng nhiều sinh viên là Ân Thi (75 người), Khoái Châu (56 người), Yên Mỹ (47 người), Phù Cừ (43 người)... 
 
Theo đánh giá của các địa phương, các cử nhân được tuyển dụng đã phát huy năng lực, trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, làm tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi được tuyển dụng và phân công công tác, hầu hết sinh viên đều yên tâm công tác, nhiệt tình với công việc, có ý thức học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ có thời gian công tác lâu năm tại địa phương nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... 
 
6 chức danh công chức cần tuyển
 
Kết quả từ việc thực hiện Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức dự bị tại cấp xã đã cho thấy, đây là chủ trương chính sách đúng đắn của tỉnh nhằm bổ sung cho cơ sở đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, góp phần trẻ hoá cán bộ, từng bước cải thiện những bất cập trong chất lượng cán bộ cấp xã, thị trấn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng cho thấy những hạn chế làm ảnh hưởng tới hiệu quả của đề án. 
 
Đó là tình trạng, một số lãnh đạo xã chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc sử dụng sinh viên trẻ tốt nghiệp đại học chính quy với việc đổi mới, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã. Còn có tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích cá nhân trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức. Một số người có tâm lý không muốn bị lớp trẻ “vượt mặt” do cán bộ trẻ có trình độ, hoặc muốn giữ chỗ cho con, cháu mình. Sau khi tuyển dụng, việc bố trí sử dụng còn hạn chế, còn tình trạng bố trí công việc không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo, khiến người được tuyển dụng chưa thực sự yên tâm công tác....
 
Những hạn chế này sẽ được từng bước khắc phục trong Đề án giai đoạn 2018-2021, với các giải pháp như: 6 tháng một lần UBND cấp xã phải báo cáo UBND cấp huyện về số lượng các chức danh công chức của đơn vị… 
 
Theo đề án, đối tượng tuyển dụng là sinh viên có hộ khẩu thường trú tại các huyện, thành phố trong tỉnh, tốt nghiệp đại học chính quy, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức cần tuyển, không quá 30 tuổi, cam kết công tác ít nhất 5 năm tính từ khi được tuyển dụng. Hình thức tuyển dụng là thi tuyển.
 
 Sẽ có 6 chức danh công chức cần tuyển là: Văn phòng - thống kê, Tài chính - kế toán, Tư pháp - hộ tịch, Văn hoá - xã hội, Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường (đối với xã). 
 
Sinh viên trúng tuyển công chức cấp xã ngoài chế độ tiền lương được hưởng theo quy định hiện hành đối với công chức tập sự, còn được hưởng thêm một số quyền lợi. Gồm, trợ cấp 15% cho đủ 100% lương bậc 1, hệ số 2,34 (trong thời gian tập sự 12 tháng); trợ cấp thu hút một lần 5 triệu đồng/người... 

Báo Hưng Yên