Hưng Yên sơ kết thực hiện Kế hoạch số 93a và đánh giá kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Ngày 6.10, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31.3.2017 của UBND tỉnh về việc xử lý các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ giao thông, thủy lợi; xây dựng bến bãi tập kết vật liệu xây dựng và khai thác cát trái phép trên sông năm 2017 (Kế hoạch số 93a) và kiểm điểm, đánh giá kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. 

 

Theo báo cáo tại hội nghị, toàn tỉnh có 6.839 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông; 6.550 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi; 4.977 trường hợp vi phạm xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. 
 
Đến ngày 31.8, các địa phương trong tỉnh đã xử lý, giải tỏa được 6.137 trường hợp vi phạm trong phạm vi hành lang giao thông; 3.822 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi; 3.216 trường hợp xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. 
 
Theo đánh giá chung, sau khi có Kế hoạch số 93a, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động và tổ chức giải tỏa các vi phạm về đất đai. Nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt trong công tác giải tỏa, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương hiệu quả xử lý không cao. 
 
Về cấp GCNQSDĐ các loại đất, đến hết tháng 8.2017 mới đạt gần 79% số thửa cần cấp, số GCNQSDĐ cấp trong 8 tháng mới đạt trên 5% so với kế hoạch cả năm. Tiến độ cấp GCNQSDĐ chậm do khó khăn, vướng mắc trong xét cấp GCNQSDĐ, thực hiện nghĩa vụ tài chính và sự vào cuộc chưa tích cực của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn ở cơ sở.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng khẳng định: Sau 6 tháng thực hiện Kế hoạch số 93a, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, đê điều, khai thác và bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp, giảm dần số vụ vi phạm, công tác ngăn chặn và xử lý tình trạng vi phạm các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp có chuyển biến tích cực. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương kết quả thực hiện của 2 huyện Văn Giang và Phù Cừ; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục: Số liệu rà soát các trường hợp vi phạm phát sinh trước và sau Chỉ thị 02/CT-UBND ngày 16.3.2016 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị 02) cũng như kết quả xử lý, giải tỏa vi phạm cần sát với thực tế; còn tình trạng xử lý, giải tỏa chưa triệt để, tái vi phạm; cấp ủy, chính quyền một số nơi còn buông lỏng quản lý về đất đai; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, thậm chí làm ngơ, bao che vi phạm; trình độ của cán bộ ở cơ sở còn hạn chế, việc cập nhật văn bản pháp luật chưa kịp thời dẫn đến việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đúng, chưa trúng… 
 
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tập trung, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện Kế hoạch số 93a; phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tập trung giải tỏa triệt để các công trình xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, khu bán hàng trái phép trên đất nông nghiệp phát sinh sau Chỉ thị 02. Chú trọng tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân tự nguyện tháo dỡ. Các trường hợp tổ chức cưỡng chế phải chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.
 
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất theo quy định của pháp luật và của tỉnh. Đối với công tác cấp GCNQSDĐ, các địa phương phải tích cực vào cuộc xét duyệt, thẩm định nhằm đẩy nhanh tiến độ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; tăng nguồn lực đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế.