Báo cáo phát triển kinh tế xã hội năm 2018; nhiệm vụ, giải pháp năm 2019

Đăng ngày 18 - 12 - 2018
100%

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN

KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2018

Năm 2018, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020) với nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn đan xen; tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp; diễn biến bất thường của thời tiết đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự điều hành quyết liệt, tập trung của các cấp chính quyền, sự cố gắng cao của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện, các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đạt được kết quả khá tích cực.

I. CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 138.888 triệu đồng, đạt 142,8% KH tỉnh và đạt 142,1% KH huyện giao;

- Phát triển dân số tự nhiên 0,98%; (KH: Dưới 1%)

- Tỷ lệ hộ nghèo 4,09%; (KH: Dưới 4,37%)

- Có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới; (KH: 03 xã)

- Công nhận 04 trường đạt chuẩn Quốc gia; (KH: 03 trường)

- Công nhận 02 làng văn hoá lần đầu; (KH: 02 làng)

- Tạo thêm việc làm mới cho 3.100 lao động; (KH: 3.000 lao động)

II. VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 17.297,01 ha, giảm 1,4% so với cùng kỳ, tăng 0,41% so KH. Trong đó: Diện tích trồng cây vụ Đông là 1.624ha, tăng 1,5% so KH, giảm 3,8% so cùng kỳ; diện tích cấy lúa cả năm là 15.343ha, tăng 0,3% so với KH, giảm 0,51% so cùng kỳ; năng suất lúa cả năm đạt 119,17 tạ/ha, giảm 2,32% so với KH, tăng 1,61% so cùng kỳ. Diện tích lúa Xuân là 7.651ha, tăng 0,1% KH, giảm 0,69% so với cùng kỳ, năng suất lúa đạt 66,02 tạ/ha. Diện tích gieo cấy lúa Mùa là 7.691,7 ha, tăng 0,6% KH, năng suất ước đạt 53,15tạ/ha, tăng 1,37% so cùng kỳ, giảm 5,1% so KH. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp theo giá cố định ước đạt 1.535.022 triệu đồng, tăng 2,7% so cùng kỳ. Giá trị doanh thu trên 1ha canh tác năm 2018 đạt 146 triệu đồng, tăng 19% so với năm 2017.

Thực hiện kế hoạch trồng cây nhân dân, toàn huyện đã trồng được 22.550 cây các loại, đạt 112,8% KH, trong đó: Cây bóng mát, cây lấy gỗ là 6.850 cây; cây ăn quả là 15.700 cây. Tổng diện tích trồng cây ăn quả ước đạt 1.055 ha, tăng 3,24% so với năm 2017, trong đó: Cây Nhãn 388,3ha, năng suất đạt 123,5 tạ/ha, sản lượng 4.591 tấn; cây Vải 85,8ha, năng suất đạt 202,1 tạ/ha, sản lượng 1.708 tấn; cây Cam 133,4ha, năng suất đạt 193,6 tạ/ha, sản lượng 2.489 tấn...

Tổ chức được 95 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thuốc BVTV cho hơn 8.000 lượt nông dân các xã, thị trấn. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh và phòng, trừ có hiệu quả đối với các loại sâu, bệnh hại lúa và hoa màu, cây ăn quả các loại. 

Tổng đàn trâu ước đạt 706 con, tăng 13,87% so KH, tăng 29,8% so cùng kỳ; đàn bò ước đạt 2.519 con, giảm 28,02% so với KH, giảm 6,9% so cùng kỳ; đàn lợn ước đạt 52.642 con,  tăng 9,7% so KH, giảm 4,1% so cùng kỳ; đàn gia cầm ước đạt 1.423 nghìn con, tăng 9,5% so với KH, tăng 1,8% so cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng (Gồm: lợn, trâu, bò) ước đạt 8.819 tấn, tăng 3,62% so cùng kỳ.

Công tác phòng, trừ dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm. Trong năm, không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Diện tích nuôi trồng thủy sản 734,9 ha. Sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 6.304 tấn, tăng 0,45% so cùng kỳ.

Công tác chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản được huyện quan tâm chỉ đạo. Kế hoạch chuyển đổi năm 2018 là 270 ha; đến nay toàn huyện đã chuyển đổi được 102,58ha, thời gian tới tiếp tục tuyên truyền các hộ chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả và nuôi thủy sản. Bước đầu một số mô hình chuyển đổi sang trồng cây hàng năm cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Công tác quản lý đê điều và phòng chống lụt bão được thực hiện nghiêm túc, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, vật tư phòng chống lụt bão, sẵn sàng triển khai, ứng cứu khi bão, lũ xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Tích cực triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, toàn huyện đạt 360 tiêu chí, tăng 11 tiêu chí so với cùng kỳ, bình quân đạt 18 tiêu chí/xã. Đến nay đã có 14/20 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Công nghiệp, Xây dựng

Tính đến tháng 12/2018, trên địa bàn huyện có 11 dự án đầu tư mới vào địa bàn.

Các công trình trọng điểm của huyện: Xây dựng nhà tưởng niệm danh nhân Nguyễn Trung Ngạn đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Đến nay, UBND huyện đã lập tờ trình đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng công trình; công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ bắt đầu thi công phần hạ tầng kỹ thuật, phần đài và nhà bia đang tổ chức tuyển chọn phương án kiến trúc; công trình trường THCS Phạm Huy Thông đang triển khai hạng mục san lấp mặt bằng; Khu nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Cẩm Ninh đã thực hiện xong công tác đấu thầu; các công trình giao thông cải tạo, nâng cấp ĐH65, ĐH66... đang triển khai thi công; Lập quy hoạch khu Liên hợp thể thao, văn hóa và dân cư của huyện tại thị trấn Ân Thi đã được tỉnh chấp thuận và đang chuẩn bị lập quy hoạch chi tiết; Dự án quy hoạch vùng huyện Ân Thi đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang tổ chức lập đồ án quy hoạch; Đã lập nhiệm vụ  và dự toán công trình để trình Sở Xây dựng thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 phát huy giá trị khu di tích lịch sử Đền Phù Ủng.

Về công tác hỗ trợ người có công và người nghèo khó khăn về nhà ở:

- Đối với Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015: Về tiến độ xây dựng đã hoàn thành 100%; các xã đang làm thủ tục hoàn công và rút tiền hỗ trợ cho các hộ đã xây dựng hoàn thành đảm bảo theo tiến độ của tỉnh.

- Công tác rà soát các hộ có công với cách mạng về nhà ở còn phải xây mới, sửa chữa: Tổng số đối tượng người có công với cách mạng về nhà ở còn phải xây mới, sửa chữa 519 hộ (Trong đó xây mới 133 hộ, sửa chữa 386 hộ).

- Công tác rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 về nhà ở: Các xã, thị trấn đang thực hiện công tác rà soát, thẩm định, báo cáo UBND huyện để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

3. Thương mại và dịch vụ

Trong năm 2018, UBND huyện tham gia Hội chợ Xuân Mậu Tuất 2018; Hội nghị kết nối cung - cầu xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn năm 2018; Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ Nhãn - Lễ hội Nhãn lồng năm 2018 tại thành phố Hưng Yên; Phiên chợ nhãn Lồng tại khu đô thi Ecopark và Tuần lễ nhãn lồng tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thành phố Hà Nội; Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn và nông sản vùng đồng bằng sông Hồng - Lễ hội Cam Hưng Yên năm 2018. Qua các sự kiện đã tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ với số lượng đáng kể các sản phẩm nông nghiệp, tạo điệu kiện các hộ sản xuất gặp gỡ các đối tác tiêu thụ hàng hóa nông sản, đổi mới tư duy trong sản xuất theo cơ chế thị trường.

Thành lập 04 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thị trường chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ tăng giá nhằm làm ổn định thị trường trên địa bàn huyện. Đã kiểm tra, nhắc nhở 112 cơ sở kinh doanh, sản xuất, xử phạt 10 cơ sở vi phạm với số tiền 18.500 nghìn đồng. Số cơ sở ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là 79 cơ sở.

4. Hoạt động tài chính, tiền tệ, xây dựng cơ bản

4.1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 138.888 triệu đồng, đạt 142,8% KH tỉnh và đạt 142,1% KH huyện giao, bằng 155% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách ước thực hiện 505.585 triệu đồng, đạt 110% KH năm, bằng 105% so cùng kỳ.

4.2. Tín dụng và ngân hàng

Hoạt động của các Ngân hàng trên địa bàn, các Quỹ tín dụng nhân dân khá tích cực, đã đáp ứng được nhu cầu về vốn vay đối với các đơn vị kinh tế, các hộ gia đình nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hỗ trợ tích cực các hộ nhân dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trong đó:

Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT: Nguồn vốn huy động ước thực hiện 1.800 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so cùng kỳ, tỷ lệ tăng 0,5%. Tổng dư nợ 1.140 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng so cùng kỳ, tỷ lệ tăng 0,1%.

Ngân hàng Chính sách xã hội: Tổng nguồn vốn huy động ước thực hiện 308.575 triệu đồng, tăng 21.949 triệu đồng, tỷ lệ tăng 7,65% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ ước đạt 307.682 triệu đồng, thực hiện 99,86%, tăng 22.248 triệu đồng so cùng kỳ, tỷ lệ tăng 7,8%. Tập trung nguồn vốn giải quyết cho vay việc làm từ Trung ương và địa phương.

4.3. Xây dựng cơ bản

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phân bổ 72.700 triệu đồng. (Trong đó vốn tỉnh đảm bảo là 45.800 triệu đồng). Thực hiện chi trả các công trình chuyển tiếp và làm mới ước 74.807 triệu đồng, đạt 103% kế hoạch.

III. QUẢN LÝ CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG, GIAO THÔNG VẬN TẢI

1. Tài nguyên môi trường

Công tác quản lý Nhà nước về đất đai được tăng cường, thường xuyên thực hiện nghiêm Chỉ thị 02/CT-UBND ngày 16/3/2016 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, Kế hoạch số 93A/KH-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh, Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 29/4/2017 của UBND huyện về giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép trên địa bàn. Đã chủ động phát hiện và giải tỏa kịp thời, dứt điểm các công trình vi phạm phát sinh tại các xã Đào Dương, thị trấn Ân Thi. Chỉ đạo triển khai bước 2 Kế hoạch 93A/KH-UBND của UBND tỉnh và Kế hoạch 36/KH-UBND của UBND huyện, chọn 06 xã làm điểm, trong đó: Xã Đa Lộc, xã Đào Dương giải toả công trình vi phạm trên đất nông nghiệp; thị trấn Ân Thi, xã Xuân Trúc giải toả các công trình vi phạm hành lang bảo vệ giao thông; xã Đặng Lễ, xã Hồ Tùng Mậu giải toả các công trình vi phạm hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, sau đó sẽ chỉ đạo toàn huyện ra quân giải toả các công trình vi phạm và không có điểm dừng.

 Tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc giải phóng mặt bằng đối với các dự án trên địa bàn huyện gồm: ĐT.382, QL.38, dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.387, dự án phát triển hạ tầng thủy lợi huyện Ân Thi (AFD), dự án Khu dân cư mới 3,3 ha trên địa bàn thị trấn Ân Thi; dự án cải tạo, nâng cấp ĐH.63, ĐH.65, ĐH.66... tổ chức hỗ trợ thi công, giải toả công trình xây dựng trên hành lang giao thông thuộc QL.38 tại thôn Trại Giáo, xã Bãi Sậy.

          Hiện nay, các xã, thị trấn đang tập trung hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận đồng loạt theo kế hoạch giao; đã cấp đổi và cấp mới 317 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân (Trong đó: Cấp mới 243, cấp đổi 134). Tổ chức đấu giá đất dân cư tại một số xã, thị trấn trên địa bàn với tổng số tiền 57.574 triệu đồng. Trong đó, dự án đấu giá khu dân cư mới 4,3ha thị trấn Ân Thi do UBND huyện làm chủ đầu tư đã bắt đầu đấu giá quyền sử dụng đất cho 211 suất, kết quả đấu giá đợt 1 được 28 suất, với số tiền trên 33 tỷ đồng.

Toàn huyện có 99 tổ thu gom rác thải hoạt động khá hiệu quả, góp phần làm sạch môi trường. Trung bình mỗi ngày 02 xe chuyên dụng của huyện vận chuyển khoảng 14 tấn rác ra khỏi địa bàn huyện. Đã tổ chức vận chuyển 541,22 tấn rác tồn đọng tại thị trấn Ân Thi đến nơi xử lý. Hiện nay, toàn huyện có trên 8.000 hộ gia đình sử dụng thùng và hố đào phân loại rác hữu cơ tại gia đình khá hiệu quả. Các tổ vệ sinh môi trường tại các xã, thị trấn làm tốt việc thu gom tại địa bàn, không để rác tồn đọng. Đã cấp 75 xe 3 bánh đẩy tay, 130 xe kéo tay cho các xã, thị trấn.

2. Giao thông vận tải

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện ngày được quan tâm nâng cấp, mở rộng. Các công trình cải tạo, nâng cấp ĐH.64, ĐH.65, ĐH.66, nâng cấp đường và bờ khu vực sông Kẻ Sặt, mở rộng đường trục chính xã Bắc Sơn... đang triển khai thực hiện. Tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường của huyện, các xã, thị trấn, các thôn trong huyện ngày một cao.

Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra phát hiện các trường hợp vi phạm giao thông, đã lập biên bản 1.895 trường hợp, phạt tiền 890.650 nghìn đồng nộp Kho bạc Nhà nước; thu giữ 442 xe môtô, 02 xe ôtô, 17 xe tự chế, kiểm tra 12 xe quá tải, xử lý với số tiền 56 triệu đồng. Tai nạn giao thông xảy ra 18 vụ, làm 15 người chết, 6 người bị thương, tăng 6 vụ, tăng 4 người chết, tăng 02 người bị thương so cùng kỳ.

IV. VĂN HÓA - XÃ HỘI

1. Giáo dục và Đào tạo

Đã hoàn thành chương trình năm học 2017-2018, chất lượng học sinh đại trà được nâng lên, chất lượng học sinh mũi nhọn đạt khá. Tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt kết quả khá gồm 33 giải các loại (Trong đó: 03 giải Nhất, 04 giải Nhì, 08 giải Ba, 18 giải Khuyến khích). Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 có điểm bình quân khá hơn so với năm học 2016-2017. Sau kết thúc năm học 2017-2018 đã tổng kết, đánh giá nghiêm túc những hạn chế, tồn tại và đề ra nhiều giải pháp thực hiện trong năm học mới 2018-2019. Tổ chức gặp mặt 225 học sinh thi đỗ nguyện vọng 1 vào các trường Đại học đạt 20 điểm trở lên không nhân hệ số. Tập trung chỉ đạo các nhà trường hoàn thành các tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia theo kế hoạch, trong năm có 04 trường được công nhận danh hiệu trường đạt chuẩn Quốc gia gồm: Tiểu học Xuân Trúc, Hồng Quang, Nguyễn Trãi, Mầm non Tiền Phong; nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia của huyện lên 32/66 trường, trong đó: Mầm non 6, Tiểu học 17, THCS 9. Đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các nhà trường kiểm tra các khoản thu theo quy định. Thanh tra việc dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường kỷ cương, nền nếp dạy và học trong các nhà trường. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các nhà trường tiếp tục được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đến nay tỷ lệ phòng học kiên cố khối Mầm non 62,83%, Tiểu học 87,97%, THCS 90,82%. Điều chuyển giáo viên đảm bảo cân đối về loại hình và số lượng giữa các trường. Duy trì các hoạt động dạy và học theo quy định. Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt đề án sát nhập trường THCS Phạm Huy Thông và THCS thị trấn Ân Thi, Trường Mầm non Liên cơ và Mầm non thị trấn Ân Thi, trường Tiểu học Tiền Phong và THCS Tiền Phong.

2. Y tế, dân số, chăm sóc sức khỏe nhân dân

 Các hoạt động khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện, các Trạm Y tế xã, thị trấn được duy trì. Đã khám và chữa bệnh cho 50.944 lượt người, đạt 141,51% KH năm, điều trị nội trú cho 6.771 lượt người, đạt 103,05% KH năm, điều trị ngoại trú cho 2.947 người. Tổng số ngày điều trị nội trú: 49.400. Khám cận lâm sàng đều hoàn thành vượt chỉ tiêu giao.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề y, dược. Đã kiểm tra 46 cơ sở y, dược tư nhân, xử phạt 02 cơ sở với số tiền 5 triệu đồng; kiểm tra 96 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể, xử phạt với số tiền 13.250 nghìn đồng; qua kiểm tra, đa số các hộ đều chấp hành đúng các quy định của nhà nước. Trong năm không có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tổ chức hiến máu tình nguyện được 514 đơn vị máu, đạt 147% KH giao. Số người có thẻ BHYT là 109.780 người, đạt 83% dân số.

Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được quan tâm. Công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em được tăng cường. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên duy trì 0,98%. Tỷ số giới tính khi sinh 113 bé trai/100 bé gái (KH 117/100), tỷ lệ sinh con thứ 3 còn 15%, tăng 1,1% so với năm 2017.

3. Văn hóa, thể thao và du lịch

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình, các hoạt động tổ chức lễ hội diễn ra an toàn. Trong năm tiến hành 05 đợt kiểm tra dịch vụ văn hoá và thông tin, có 02 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, đề nghị hỗ trợ xây dựng 15 nhà văn hoá thôn. Triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; có 02 làng văn hoá công nhận lần đầu; tổng số làng văn hoá 122/133 làng, đạt tỷ lệ 91,7%, có 30 làng được công nhận lại sau 3 năm. Tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 89%, tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá đạt 89%.

Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị-văn hóa xã hội. Thường xuyên tổ chức các hoạt động TDTT như: Giải cầu lông, bóng đá, bóng chuyền hơi... nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Tham gia Đại hội TDTT tỉnh Hưng Yên lần thứ XIII năm 2018, kết quả đạt 12 HCV, 9 HCB, 13 HCĐ.

 

4. Lao động, Thương binh và Xã hội

Công tác đào tạo nghề cho người lao động thường xuyên được quan tâm, nhất là lao động phổ thông. Các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện tốt việc đào tạo nghề cho người lao động có thu nhập ổn định. Trong năm có 38 người đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Thực hiện các chính sách đối với 3.136 đối tượng người có công và thân nhân với số tiền trên 47 tỷ đồng và 5.862 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền trên 23 tỷ đồng đảm bảo đúng, kịp thời. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán, dịp 27/7 với số tiền 4.746 triệu đồng. Tổ chức Lễ tri ân các Anh hùng liệt sỹ trên toàn huyện. Xây dựng kế hoạch, phát động quỹ Đền ơn đáp nghĩa tính đến nay thu được 326.380 nghìn đồng, đạt 112,4% so cùng kỳ, đạt 130,6% so KH tỉnh giao. Thực hiện tốt chương trình xã hội hóa với tinh thần Chung tay giúp người nghèo vui tến đón Xuân, huyện đã huy động được gần 600 triệu đồng với tổng số hơn 1.700 suất quà (Trị giá 300.000đ/một suất).

Trích quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện hỗ trợ xây mới 02 nhà gia đình thân nhân liệt sỹ có khó khăn về nhà ở trị giá mỗi nhà 30 triệu đồng. Ngân hàng Công thương chi nhánh Mỹ Hào tài trợ xây 08 nhà cho gia đình có công khó khăn về nhà ở, trị giá mỗi nhà 50 triệu đồng. Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh thành phố Hưng Yên tài trợ xây mới 01 nhà cho đối tượng người có công với cách mạng, trị giá 50 triệu đồng.

Đã mua trên 20.000 thẻ BHYT cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định với số tiền trên 12 tỷ đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều tham gia mua bảo hiểm. Công tác bảo hiểm xã hội được quan tâm: Tổng thu ước 169.368 triệu đồng, đạt 100,1% KH tỉnh giao, tăng 172 triệu đồng (Tương ứng 13,35%) so với năm 2017. Số ngư­­­ời tham gia BHYT là 109.780 người, đạt 100% kế hoạch năm của tỉnh giao, tăng 10.490 người, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên đia bàn huyện đạt 83% (KH giao 80%). Chi BHXH ước 248.688 triệu đồng, tăng 4.210 triệu đồng (1,7%) so với cùng kỳ; chi BHYT ước 27.715 triệu đồng, tăng 4.516 triệu đồng (16,3%) so với năm 2017.  

Các hoạt động chăm sóc trẻ em thường xuyên được quan tâm, đặc biệt đã xây dựng Quỹ vì trẻ em được 295 triệu đồng. Nhân dịp năm học mới, huyện đã tặng cặp sách cho 301 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; quỹ Bảo trợ trẻ em huyện hỗ trợ 15 điểm vui chơi cho các trường mầm non của 14 xã, thị trấn. Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng quà, học bổng cho 37 trẻ em; tặng xe đạp cho 05 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập. Phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức trao tặng quà cho 30 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Trung thu; tặng quà, học bổng cho 21 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả cao trong học tập với số tiền trên 10,5 triệu đồng.

 

5. Thông tin liên lạc và truyền thông

Đài Truyền thanh huyện đã thực hiện 315 chương trình, 526 buổi phát sóng, 2.835 tin, bài phản ánh về các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội trên địa bàn. Công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, huyện tới người dân của Đài huyện, các Đài xã, thị trấn được duy trì thường xuyên, có hiệu quả. Đã phối hợp với các cơ quan báo chí TW và địa phương tập trung quản bá về thành tựu kinh tế-xã hội của huyện. Hoạt động Bưu chính - Viễn thông, Internet phát triển mạnh, các mạng viễn thông trên địa bàn được khai thác tốt, bảo đảm thông tin thông suốt; góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin được quan tâm, chú trọng. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ.

V. VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VÀ QUẢN LÝ TÔN GIÁO, THI ĐUA KHEN THƯỞNG

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính nhằm từng bước nêu cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền. Đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa và một cửa liên thông” hiện đại gắn với việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Duy trì, thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin được kịp thời. Hiện nay, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại UBND huyện hoạt động khá hiệu quả. Số hồ sơ đủ điều kiện đều được xử lý đúng thời hạn, đạt 100%. Thường xuyên kiểm tra công tác quản lý hành chính nhất là đối với chính quyền cơ sở nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức và vai trò điều hành của chính quyền cơ sở. Đã ra thông báo tạm dừng điều hành Chủ tịch UBND xã Bãi Sậy, yêu cầu tạm dừng nhiệm vụ chuyên môn đối với công chức Địa chính xã Bãi Sậy để xử lý các vi phạm phát sinh đất đai.

Xây dựng và triển khai chương trình hành động và kế hoạch thực hiện các Nghị quyết số 18, 19, 20, 21 Hội nghị TW 6 của Ban chấp hành TW Đảng khóa XII, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 7. Thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện; xây dựng, trình phê duyệt 5 đề án thực hiện nghị quyết TW 18, 19.

Bổ nhiệm mới và bổ nhiệm lại cán bộ quản lý đối với các phòng và các trường theo quy định. Thường xuyên cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn. Rà soát vị trí việc làm và số lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện; sắp xếp, bố trí cán bộ đúng vị trí, việc làm.

Công tác thi đua khen thưởng thường xuyên được quan tâm, biểu dương kịp thời những tập thể và cá nhân điển hình để khích lệ và cổ vũ phong trào thi đua. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, giải quyết kịp thời những phát sinh trên địa bàn theo quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

VI. CÁC LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, AN NINH, TƯ PHÁP VÀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

1. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương thường xuyên được quan tâm, chỉ đạo. Duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chỉ huy, trực sẵn sàng chiến đấu. Phối hợp với các phòng, ngành chức năng đảm bảo tốt tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trước, trong và sau tết Nguyên đán Mậu Tuất và các ngày lễ lớn.

Tổ chức bàn giao cho các đơn vị huấn luyện 394 quân nhân dự bị; huấn luyện Dân quân tự vệ hoàn thành 100% kế hoạch và chỉ tiêu được giao, kết quả huấn luyện đạt tốt. Hệ thống văn kiện sẵn sàng chiến đấu được bổ sung, kiện toàn đầy đủ, kịp thời. Chỉ đạo 05 xã: Quảng Lãng, Xuân Trúc, Hoàng Hoa Thám, Đa Lộc, Văn Nhuệ diễn tập chiến đấu phòng thủ cụm xã và phòng Kinh tế-Hạ tầng diễn tập quốc phòng an ninh đạt chất lượng tốt. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ huyện năm 2018, đạt kết quả tốt. Xây dựng Đội xung kích cơ động tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra bảo đảm quân số và chất lượng. Tổ chức Lễ giao, nhận quân long trọng, bàn giao 216 thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao. (Trong đó 210 chiến sỹ Quân đội và 06 chiến sỹ Công an). Triển khai việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ và tham gia nghĩa vụ công an nhân dân năm 2019. Tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự và thực hiện công tác tuyển sinh quân sự năm 2018 bảo đảm chặt chẽ. Tổ chức chi trả trợ cấp một lần theo Quyết định 62 và 49 của Thủ tướng Chính phủ cho 48 trường hợp với số tiền 159.100 nghìn đồng. Truy lĩnh trợ cấp thương tật theo Thông tư 28 cho 04 đối tượng với số tiền 220.716 nghìn đồng, chi trợ cấp bệnh hiểm nghèo theo Thông tư 157 cho 01 đối tượng với số tiền 121.136 nghìn đồng.

2. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an ninh nông thôn cơ bản ổn định. Triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý và chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm, các tai tệ nạn xã hội. Tình hình hoạt động của tội phạm về trật tự xã hội, tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện ít phức tạp. Trong năm phát hiện 105 vụ = 133 đối tượng, khởi tố 53 vụ = 68 bị can. Tội phạm ma túy: Phát hiện, bắt giữ 16 vụ = 17 đối tượng; mua bán trái phép chất ma túy, phát hiện 02 vụ, đã khởi tố 02 vụ = 02 bị can; tội tàng trữ trái phép chất ma túy xảy ra 12 vụ = 13 đối tượng, đã khởi tố 12 vụ = 13 bị can, trồng cây thuốc phiện 02 vụ = 02 đối tượng. Phát hiện và bắt giữ 10 vụ đánh bạc = 47 đối tượng, thu giữ 31 triệu đồng (Khởi tố  04 vụ = 25 bị can; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 05 vụ = 18 đối tượng, chuyển xã 01 vụ). Tình hình cháy nổ, tai nạn khác 08 vụ, làm 07 người chết.

Thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, từng bước hạn chế các vụ việc phức tạp nảy sinh. Hoạt động tôn giáo cơ bản ổn định, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước.

3. Thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ huyện xuống cơ sở, UBND huyện tổ chức tuyên truyền 08 cuộc với 850 lượt người tham dự, nội dung tuyên truyền về Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hộ tịch, Luật Đất đai, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Khiếu nại, Luât Tố cáo, Luật Tiếp cận thông tin... UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền được 265 cuộc với 22.125 lượt người tham dự, tổ chức 74 cuộc thi với 10.200 người tham dự; công tác kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên. Thực hiện tốt chức năng quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Toàn huyện đã ban hành 212 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền thu được 135.800 nghìn đồng; đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 04 đối tượng. Công tác hành chính tư pháp được tập trung thực hiện đã đáp ứng nhu cầu của công dân và tổ chức.

 4. Tổng số việc phải thi hành năm 2018 (Từ 01/10/2017 đến 30/9/2018) là 606 việc, trong đó: Số cũ chuyển sang 124 việc, thụ lý mới 482 việc. Đã giải quyết 474 việc, đạt 91,9%; số tiền thu được 3.072 triệu đồng; tổng số án còn phải thi hành 127 việc, với số tiền là 12.120 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước thụ lý mới tăng 21 về việc, giảm 8.725 triệu đồng.

VII. CÔNG TÁC THANH TRA, TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ

1. Thực hiện 30/30 cuộc thanh tra, đạt 100% theo kế hoạch. Qua thanh tra phát hiện vi phạm với tổng số tiền 148.384 nghìn đồng. Kiến nghị xử lý 02 công chức.

Ủy ban nhân dân huyện tiếp 38 lượt công dân với tổng số 95 người, trong đó có 06 đoàn đông người thuộc công dân các xã: Văn Nhuệ, Vân Du, Phù Ủng.

Tăng cường công tác tiếp dân và đối thoại tại trụ sở tiếp công dân của huyện. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện và các phòng, ngành tổ chức 14 cuộc đối thoại trực tiếp với công dân của các xã Tiền Phong, Văn Nhuệ, Vân Du, Đào Dương, Phù Ủng, thị trấn Ân Thi, Bắc Sơn, Cẩm Ninh, Đa Lộc, Bãi Sậy, Tân Phúc.

Ủy ban nhân dân huyện tiếp nhận 58 đơn, trong đó 22 đơn tố cáo; 35 đơn đề nghị, phản ánh; 01 đơn khiếu nại. Theo nội dung lĩnh vực: Liên quan đến đất đai và công tác DTĐR 39/58 đơn chiếm 67,24%; nghĩa vụ quân sự 01 đơn; an ninh, trật tự địa phương 02 đơn; chế độ chính sách 01 đơn; tôn giáo 02 đơn; lĩnh vực khác 13 đơn. Đơn có vụ việc mới 49 đơn, đơn trùng nội dung 09 đơn. Số lượng đơn thư có chiều hướng giảm mạnh chỉ bằng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện 06 đơn, trong đó: 05 đơn tố cáo, 01 đơn khiếu nại; đã giải quyết xong 06 đơn. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã, thị trấn, cơ quan, tổ chức 53 đơn (44 vụ việc) đã được UBND huyện chuyển đơn để xem xét, giải quyết đúng thẩm quyền và trả lời công dân theo quy định.

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng được các cấp các ngành quan tâm. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc công khai minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản; công khai, minh bạch về tài chính và ngân sách nhà nước. Hoạt động kê khai tài sản được triển khai nghiêm túc, tỷ lệ số người thực hiện kê khai tài sản đạt 100%.

Đánh giá chung: Mặc dù chịu ảnh hưởng và tác động tiêu cực không nhỏ của thời tiết, song nông nghiệp cơ bản 2 vụ vẫn được mùa, chăn nuôi phát triển ổn định, được giá; công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt; giao thông, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển khá; thu ngân sách trên địa bàn có nhiều cố gắng, tổng thu vượt nhiều so kế hoạch giao; nguồn ngân sách từ TW, tỉnh đầu tư cho huyện tăng cao so với nhiều năm trước; chi ngân sách đúng luật. Các hoạt động văn hoá, xã hội có nhiều khởi sắc; an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện hiệu quả, thiết thực.

Quốc phòng-an ninh trên địa bàn tiếp tục được củng cố; công tác thanh tra, tư pháp, thi hành án hoạt động hiệu quả. Công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo.

VIII. NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Hạn chế, yếu kém

1.1. Một số địa phương chưa tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Nông nghiệp phát triển còn chậm, chưa bền vững, sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, chất lượng còn thấp, sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao chưa nhiều; việc tìm đầu ra cho các loại nông sản còn bị động. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường còn hạn chế; chưa chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường nên đầu ra của sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh.

1.2. Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã có nhiều khuyến cáo cho nông dân các xã, thị trấn hạn chế gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 trong vụ Mùa, tuy nhiên tại các xã như: Hồ Tùng Mậu, Tiền Phong, Hồng Vân, Hạ Lễ, Đặng Lễ, Bãi Sậy, nhiều hộ vẫn gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7, dẫn đến lúa bị nhiễm bệnh bạc lá làm ảnh hưởng đến năng suất.

1.3. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa được các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo; một số xã chưa mạnh dạn cho người dân chuyển đổi do lo ngại người dân chuyển đổi sai quy định,.... nên tiến độ chuyển đổi chậm.

1.4. Công tác quản lý đất đai ở một số xã có thời điểm buông lỏng, để một số hộ dân vượt lập, xây dựng công trình, làm bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang giao thông, công trình thủy lợi như xã Bãi Sậy, Đào Dương, thị trấn Ân Thi. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, tỷ lệ đạt thấp so kế hoạch giao.

1.5. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn một số vướng mắc không bàn giao kịp thời tiến độ cho các đơn vị thi công như Quốc lộ 38 (Tại thôn La Mát, xã Phù Ủng; thôn Trại Giáo, xã Bãi Sậy).

1.6. Tình trạng kinh doanh của các hộ dân tại các chợ, các phố đông người lấn chiếm vỉa hè tiếp tục tái diễn; các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng lấn chiếm hành lang giao thông, tiềm ẩn tai nạn giao thông và làm hỏng đường nhưng UBND các xã, thị trấn chưa có giải pháp xử lý nghiêm túc; một số bến bãi không có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn hoạt động.

1.7. Công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số xã chưa được thực hiện nghiêm túc, một số đơn thư giải quyết không đúng trình tự, thời gian theo quy định, cụ thể như xã Bãi Sậy. Ý kiến thắc mắc, kiến nghị của người dân không được chính quyền địa phương giải đáp kịp thời dẫn đến đơn thư vượt cấp kéo dài như xã Phù Ủng, Vân Du.

1.8. Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ở một bộ phận công dân khi tham gia giao thông không nghiêm, không quan sát kỹ, phóng nhanh vượt ẩu khi qua ngã 3, ngã 4, đường cong khuất tầm nhìn, đặc biệt là một số tuyến đường chưa đưa vào sử dụng như: Đường nối hai đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình, QL.38 mới đã tạo ra nhiều nguy cơ và là nguyên nhân trực tiếp làm tăng số vụ tai nạn giao thông.

1.9. Thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2018 có 04 xã không hoàn thành chỉ tiêu giao quân gồm: Hồng Quang, Đa Lộc, Văn Nhuệ và Tiền Phong.

2. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém

- Trong sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã có nhiều khuyến cáo nhưng do thói quen canh tác nên nông dân một số xã vẫn gieo cấy giống BTS7.

- Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi tổng hợp còn chậm là do lãnh đạo một số xã chưa thực sự quan tâm, một số xã nhân dân chưa quan tâm với mô hình chuyển đổi.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và công tác đăng ký, quản lý nguồn ở cấp xã thiếu chặt chẽ, thiếu biện pháp tìm gọi và xử lý công dân trốn, tránh thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.

- Sự phối kết hợp giữa Xí nghiệp Khai thác CTTL huyện với UBND các xã, thị trấn chưa chặt chẽ, thường xuyên, chưa hiệu quả trong một số lĩnh vực như: Tưới tiêu, khai thông dòng chảy...

- Một số xã chưa thật sự chủ động, tập trung cao trong việc triển khai phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cơ sở của một số địa phương chưa tốt, còn để tình trạng lấn chiếm đất đai, vượt lập, xây dựng trái phép.

- Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai chưa kịp thời. Tinh thần, trách nhiệm của một số xã chưa cao trước công việc, có một số việc còn đùn đẩy lên cấp trên hoặc né tránh; cán bộ ở một số phòng, ngành còn hạn chế năng lực chuyên môn, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Một số cán bộ xã năng lực và trình độ còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ giao, dẫn đến hiệu quả điều hành công việc không cao.

Phần thứ hai

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

 KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2019

Năm 2019 là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV. Theo dự báo, kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục hồi phục nhưng còn chậm; diễn biến bất thường của thời tiết khó lường, dịch bệnh phức tạp là những yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 của huyện, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, Chính quyền cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt trong điều hành để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 của huyện đề ra.

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quan tâm sản xuất nông nghiệp, ưu tiên công nghiệp đầu tư vào địa bàn, tăng thu ngân sách, quản lý chặt chẽ ngân sách, chi tiết kiệm. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Tiếp tục cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định dưới 1%;

- Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,2%;

- Xây dựng 04 trường đạt chuẩn quốc gia;

- Công nhận 1-2 làng văn hóa lần đầu;

- Tạo thêm việc làm mới cho 3.200 lao động;

- Có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đề ra, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp sau:

1. Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Huyện ủy, HĐND huyện, các văn bản điều hành của UBND huyện về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

2. Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền để nhân dân gieo cấy đúng thời vụ, đúng cơ cấu giống. Riêng vụ Mùa tiếp tục khuyến cáo nhân dân hạn chế cấy giống lúa BTS7. Duy trì chăn nuôi theo kế hoạch giao, bảo đảm số lượng tổng sản lượng và giá trị. Thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhất là các lĩnh vực sản xuất có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả thu nhập thấp sang mô hình nuôi trồng tổng hợp. Khuyên khích nhân dân trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực hiện có hiệu quả phương án phòng chống thiên tai, phương án chống úng nội đồng nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và tài sản của nhân dân. Khuyến khích các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp liên kết thành lập các HTX nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chỉ đạo các xã tập trung đầu tư nguồn lực và đẩy mạnh công tác xã hội hóa để hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Kiểm tra, rà soát các xã có đủ điều kiện đạt chuẩn năm 2019 để đăng ký với BCĐ xây dựng nông thôn mới tỉnh thẩm định.

Thường xuyên quan tâm công tác thú y; tuyên truyền các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm không để dịch bệnh bùng phát.

3. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai tại các xã, thị trấn. Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt Kế hoạch 93A/KH-UBND của UBND tỉnh và Kế hoạch 36/KH-UBND của UBND huyện về giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và hành lang giao thông, thủy lợi; đặc biệt các công trình vi phạm mới. Kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới về đất đai. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB các dự án trên địa bàn. Tiếp tục đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư 4,3 ha của huyện tại thị trấn Ân Thi và các xã có đủ điều kiện tổ chức đấu giá. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhưng phải bảo đảm môi trường. Tập trung công tác cấp và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo kế hoạch giao.

Phấn đấu có 100% thôn, ấp có Tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải. Tăng số lượng trang bị xe thu gom rác thải cho các xã, thị trấn nhằm thực hiện tốt việc thu gom rác thải ở thôn, xóm, làm sạch môi trường. Đầu tư xây dựng 01 lò đốt rác tại thị trấn Ân Thi theo công nghệ hiện đại.

4. Tiếp tục thực hiện nâng cấp, cải tạo, mở rộng các công trình giao thông theo kế hoạch, nhất là các công trình đã được phê duyệt chuyển tiếp sang năm 2019. Ban An toàn giao thông huyện đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường gờ giảm tốc, các biển báo tại các điểm đen giao thông như: Thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi; ngã tư điểm giao cắt giữa TL.376 với TL.386, ngã tư Hồng Vân... chỉ đạo Ban An toàn giao thông các xã, thị trấn kiên quyết xử lý xe công nông, xe 3 bánh tự chế hoạt động trên Quốc lộ, Tỉnh lộ và Huyện lộ, đặc biệt cấm xe ôtô hết hạn kiểm định dùng để chở học sinh. Thường xuyên giải tỏa các bến, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu trái phép, vi phạm hành lang giao thông, các chợ tạm, chợ cóc. Hoàn thành phê duyệt các hạng mục dự án xây mới các công trình, dự án trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ thương mại bảo đảm hàng hóa phục vụ thị trường tiêu dùng của nhân dân trong huyện.

5. Tập trung khai thác tốt các nguồn thu đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước; đẩy mạnh công tác thu thuế ngoài quốc doanh, tiền sử dụng đất; thuế nợ đọng của các doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch giao. Quản lý, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước trên địa bàn.

6. Thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng chất lượng giáo dục đại trà, học sinh giỏi ở các bậc học. Phấn đấu có từ 60-80% học sinh dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt giải và có nhiều giải cao. Phấn đấu số học sinh đỗ vào các trường Đại học vượt từ 10-15% so với năm học 2017-2018. Khuyến khích các xã, thị trấn tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để tăng tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng cho các cấp học. Khuyến khích đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đi học nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn và đạt trình độ trên chuẩn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm duy trì kỷ cương nề nếp dạy học, thi cử, dạy thêm, học thêm và các chế độ đóng góp của học sinh.

7. Không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện và các Trạm Y tế các xã, thị trấn. Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở y dược tư nhân, bếp ăn tập thể theo phân cấp quản lý, các sở sở kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu Dân số-Kế hoạch hoá gia đình, bảo đảm tăng dân số tự nhiên dưới 1%. Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, phấn đấu đạt tỷ lệ 85% dân số tham gia mua BHYT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

8. Thực hiện tốt các chế độ chính sách của Nhà nước cho người có công, các đối tượng xã hội được hỗ trợ về chế độ chính sách.

Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo nghề cho người lao động và khuyến khích người lao động tham gia các chương trình đào tạo nghề của các doanh nghiệp, phấn đấu có từ 3.000-3.500 lao động được đào tạo nghề. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá để tạo nguồn ngân sách chăm lo hỗ trợ một phần cho các đối tượng bảo trợ xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng bảo trợ xã hội vươn lên hoà nhập cộng đồng. Tuyên truyền để các tổ chức xã hội cùng tham gia bảo vệ bình đẳng giới; bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường. Triển khai và thực hiện có hiệu quả, đồng bộ công tác giảm ghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo phải được bình xét đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

9. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá,  tuyên truyền để các địa phương có di tích văn hoá, di tích lịch sử thường xuyên chăm lo, giữ gìn và phát huy tốt giá trị của di tích. Thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao nhằm thúc đẩy các hoạt động thể thao ngày một phát triển, từ đó phát hiện nhân tố, bồi dưỡng nhân tài để tham gia thi đấu cấp tỉnh, nâng cao  thể thao thành tích. Phát triển phong trào thể thao quần chúng cả về bề rộng và chiều sâu. Thường xuyên tuyên truyền, phát huy tối đa thời lượng phát sóng của Đài huyện, Đài xã, thị trấn cổ vũ, động viên, tuyên truyền kịp thời các điển hình, các tấm gương người tốt, việc tốt, các nhân tố tích cực về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh...

10. Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng địa phương, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với Công an, các phòng, ngành liên quan bảo vệ an toàn các sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước, các ngày lễ, tết trong năm, bảo đảm tốt trật tự an toàn trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt Đề án xây dựng các công trình phòng thủ huyện (Chuyển đổi 0,5ha đất nông nghiệp của xã Đặng Lễ cho mục đích quốc phòng để xây dựng công trình phòng thủ). Chỉ đạo 06 xã, thị trấn tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cụm xã, gồm: Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Hồng Vân, thị trấn Ân Thi, Quang Vinh, Vân Du; Trung tâm Y tế huyện diễn tập quốc phòng an ninh. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đủ số lượng biên chế đúng quy định, có chất lượng cao. Hoàn thành kế hoạch giao quân năm 2019.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, tập trung các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông, các tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ... góp phần giữ vững an ninh chính trị,  trật tự an toàn xã hội.

Xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2019 gắn với tình hình chính trị tại địa phương, tập trung những nội dung người dân có ý kiến kiến nghị, phản ảnh, nhất là lĩnh vực đất đai, DTĐR. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Phân loại, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và trả lời theo quy định của pháp luật. Thanh tra huyện, các phòng, ngành và các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình hình đơn thư, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, hạn chế thấp nhất đơn thư vượt cấp. Duy trì tốt công tác tiếp công dân, đối thoại và giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị của công dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

11. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của UBND huyện về: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung tương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác xây dựng chính quyền theo các Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, Quyết định của UBND tỉnh về kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các phòng, ngành thuộc UBND huyện với UBND các xã, thị trấn; để triển khai các nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành của UBND huyện hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; nâng cao năng lực điều hành, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án tinh giản biên chế; Đề án thu hút sinh viên Đại học chính quy về công tác tại xã, thị trấn. Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại bộ phận một cửa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của hệ thống hành chính các cấp. Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong các cơ quan hành chính. Tạo điều kiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

Nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019 rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tập trung cao trong chỉ đạo, quyết liệt trong điều hành để ngay từ đầu năm các chỉ tiêu, kế hoạch được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXV và mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020./.

Tin mới nhất

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và mục tiêu, nhiệm vụ,...(29/12/2022 2:11 CH)

Báo cáo điều hành UBND huyện năm 2018(18/12/2018 3:48 CH)

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 10(23/10/2018 3:44 CH)

Báo cáo tháng 1(25/01/2017 1:37 CH)

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2012 và mục tiêu, nhiệm vụ,...(04/06/2013 2:24 CH)